BNN
Hỏa Sơn
Đà Nẵng: Khổ vì dịch sốt xuất huyết
Tính tới cuối tháng 12/2012, theo tổng kết của ngành Y tế Đà Nẵng, toàn thành phố có khoảng 1.300 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng hơn 9 lần so với năm 2011. Trong đó, có một ca bệnh nhi tử vong do SXH vào ngày 19/12.
Dịch SXH bùng phát những tháng cuối năm 2012 khiến nơi đây trở thành dịch bệnh gây “khổ” cho hàng ngàn bệnh nhân và cả các lực lượng chức năng trong năm vừa qua.
Dịch bùng phát những tháng cuối năm 2012 khiến nhiều cơ sở y tế ở Đà Nẵng quá tải bệnh SXH (ảnh chụp tại TT Y tế Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)
Cả nhà thay nhau nhập viện vì sốt xuất huyếtNhà bà Nguyễn Thị Lực (P.Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có cả thảy 8 người thì hết 6 người “dính” dịch sốt xuất huyết (SXH). Cả nhà lao đao, khổ vì thay nhau bệnh và chăm bệnh suốt những tháng cuối năm 2012.
Gặp chúng tôi, bà Lực than vắn, thở dài: “Mấy tháng trời ở nhà có làm ăn được chi mô. Hết người ni tới người kia nhập viện vì bị sốt xuất huyết. Có lúc không lấy đâu ra người chăm người bệnh vì có tới 3-4 người nằm viện cùng lúc. Ở trong viện, cứ người ni truyền nước điều trị xong rồi phải ngồi dậy cho người khác ghé lưng nằm giường để truyền dịch. Nhà tôi đau nặng nhất là con bé Ngọc cháu tôi, mới 6 tuổi, mà sốt nằm li bì mấy ngày, ốm xong thì sút ký hẳn thấy tội”.
Bà Lực cho biết, khi nhà có nhiều người bệnh cùng lúc, lực lượng chức năng đã đến nhà phun thuốc hai lần nhưng rồi sau đó vẫn tiếp tục có người bị SXH. Dẫn chúng tôi ra khu đất sát ngay sân nhà mình, bà Lực chỉ vô ao nước ngập đục ngầu cho biết: nguyên nhân là đây, ao tù nước đọng như ri thì phun thuốc trong nhà, thuốc bốc hơi hết rồi, muỗi từng đàn lại từ trong ao, ngoài vườn bay vô nhà. Rứa là lại có người đau, thoát không nổi dịch SXH
Cũng ở cùng khu vực xung quanh nhà bà Lực, theo chị Nguyễn Thị Vy, tổ trưởng tổ 42 (P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn) có gần 10/25 hộ có từ 2-3 người bị SXH trở lên. Nguyên nhân dịch bùng phát ở khu vực này là do khu vực đang trong quá trình giải tỏa, chỉnh trang đô thị, đường xá hễ mưa là lầy lội, xuất hiện ao tù, nước đọng. Thêm vào đó, trong khu vực có nhiều bụi rậm, xung quanh các thửa đất chuyên để canh tác, trồng trọt…
Người dân chưa cùng ngành chức năng hành động phòng chống dịch.
Tính tới cuối tháng 12/2012, theo tổng kết của ngành Y tế, toàn TP. Đà Nẵng có khoảng 1.300 ca SXH, tăng hơn 9 lần so với năm 2011. Trong đó, có một ca bệnh nhi tử vong do SXH vào ngày 19/12. Bệnh nhi không may này thường trú ở Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng), khi chuyển biến bệnh nặng, cháu đã được chuyển viện từ Trung tâm Y tế Quận lên tuyến trên là Bệnh viện Phụ sản - Nhi TP nhưng vẫn không qua khỏi.
Trao đổi với PV Dân trí, BS. Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng cho biết: Nguyên nhân dịch SXH bùng phát không riêng gì ở Đà Nẵng, mà theo được biết, còn ở nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Trung là do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường trong những tháng cuối năm vừa qua, dẫn tới phát sinh nhiều dịch bệnh, mà năm nay nặng nhất là dịch SXH.
Ngành y tế Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh, thành ở miền Trung tất bật với công tác phòng chống dịch, mà nhất là SXH do thời tiết diễn biến phức tạp
Trước tình hình đó, ngành chức năng đã chủ động trích ngân sách mua hóa chất, các trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch. Các đội phòng chống dịch cơ động được tập huấn kỹ lưỡng đã xuống tận các cơ sở, tăng cường khoanh vùng, phun thuốc phòng chống dịch ở các địa bàn xuất hiện nhiều ổ dịch. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch. Thế nhưng dịch SXH vẫn còn diễn biến phức tạp.
Lý giải điều này, ngoài những nguyên nhân khách quan như thời tiết diễn biến bất lợi kể trên, phải thừa nhận thực tế người dân tuy có hiểu biết về dịch sốt xuất huyết, nhưng lại chưa thực sự cùng chung tay hành động với ngành chức năng để “kềm” dịch.
Nhắc lại trường hợp nhà bà Lực, gần như cả nhà “dính” dịch, trong khi lực lượng chức năng đã tiến hành phun hóa chất phòng chống dịch hai lần. Nguyên nhân thực tế cho thấy do môi trường xung quanh chưa được người dân trong khu vực chủ động phát quang, giữ gìn vệ sinh chung. Thêm vào đó, nhiều người vẫn còn chủ quan, lơ là, do không nghĩ đây là dịch bệnh nguy hiểm. Trong khi thực tế, đã có trường hợp tử vong do SXH và nhiều trường hợp có thể bị biến chứng, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài sau SXH.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cùng với nổ lực của ngành chức năng, thực sự cần có sự chung tay, góp sức của cộng đồng, nhất là ý thức tự phòng chống bệnh của mỗi người dân.
Khánh Hiền (Dân Trí)