BNN
Hỏa Sơn
5 dấu hiệu bạn cần thay đổi chiến lược marketing
Khi công việc kinh doanh cứ tiến triển đều đều, bạn dễ nghĩ rằng chiến lược thương hiệu đã phát huy tác dụng. Nhưng thực tế có phải như vậy không? Thông điệp và mọi công cụ tiếp thị đang dùng có mang lại kết quả như bạn mong muốn? Nếu câu trả lời là không, đây là lúc bạn cần thay đổi chiến lược marketing của mình.
Với một doanh nghiệp nhỏ, nếu bắt gặp 1 trong 5 dấu hiệu cảnh báo dưới đây, bạn nên ngồi xem lại chiến lược marketing của công ty. Có thể bạn cần xây dựng lại thương hiệu, điều chỉnh một chút về cam kết giá trị hoặc sửa lại chiến lược hiện tại trước khi quá muộn.
1. Mọi thứ đều không ăn khớp.
Thương hiệu mạnh luôn có ‘phong độ’ ổn định, và nhất quán thực hiện cam kết với người tiêu dùng trong mọi trường hợp. Những thông điệp và hình ảnh rời rạc khiến khách hàng bối rối, quay lưng lại với bạn để đi tìm một thương hiệu khác thỏa mãn kỳ vọng của họ tốt hơn. Nếu website, hình ảnh, quảng cáo và các vật phẩm tiếp thị của bạn không đồng bộ, bạn nên thiết kế lại sao cho hình ảnh thương hiệu luôn nhất quán trong mọi tình huống.
2. Bạn không biết mình muốn gì
Nếu bạn không vạch ra được mục tiêu cho 1 năm và 5 năm sắp tới, mọi nỗi lực tiếp thị của bạn xem như vô nghĩa. Hãy dành thời gian để xác định mục tiêu kinh doanh của mình và sau đó, tập trung mọi nỗi lực tiếp thị để đạt được những mục tiêu này.
3. Bạn không biết làm sao giao tiếp với khách hàng
Nếu bạn không xác định được đối tượng khách hàng cũng như nơi chốn và thời điểm để tiếp xúc với họ, bạn đã bỏ phí rất nhiều thời gian xây dựng quan hệ sai đối tượng và ở những nơi hoàn toàn không mang lại lợi lộc gì cho việc kinh doanh của mình. Thay vào đó, bạn nên xác định đối tượng khách hàng chính, và những lợi ích cũng như thông điệp thật sự có ý nghĩa đối với họ. Chỉ khi ấy bạn mới có thể biết họ thường dành thời gian cho những hoạt động nào (như xem TV, nghe radio, lướt web, đọc blog, vào mạng xã hội, v.v.), nhờ đó bạn mới có thể tiếp xúc và mang chuyển tải những thông tin giá trị mà họ cần.
4. Bạn chỉ biết nói về chính mình
Bạn cần biết cân bằng giữa tính thân thiện và nhu cầu tự quảng bá chính mình. Trong giao tiếp, nếu bạn chỉ biết thao thao bất tuyệt về mình, chẳng ai muốn nói chuyện với bạn. Bạn cần dành thời gian để tìm hiểu về người khác, cả bên trong lẫn bên ngoài các mạng xã hội như Twitter, Facebook hay LinkedIn; sau đó là xây dựng mối quan hệ với họ. Gìn giữ và nuôi dưỡng các mối quan hệ này sẽ giúp bạn củng cố lòng trung thành và sự ủng hộ thương hiệu. Đừng dùng thông điệp quảng cáo để làm quen với người khác. Hãy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một đề tài thú vị, hay ho nào đó.
5. Đổi thủ cạnh tranh trông hấp dẫn hơn
Nếu thông điệp và hình ảnh của đối thủ cạnh tranh ‘áp đảo’ bạn thì bạn cần một sự thay đổi. Điểm mấu chốt là phải luôn đi trước xu hướng và không nên bắt chước đối thủ, như thế bạn sẽ giữ được khoảng cách an toàn. Nếu hình ảnh bạn không đủ bắt mắt, và thông điệp của bạn không xuôi tai bằng đối thủ, khách hàng sẽ không có lý do gì để giao dịch với bạn. Vì vậy, hãy tìm điểm tạo nên sự khác biệt cho bạn và những lợi ích nào mà chỉ có bạn mới mang lại được cho khách hàng. Một khi đã xác định được những điều này rồi, đừng quên loan truyền cho tất cả mọi người bằng nỗ lực tiếp thị và xây dựng thương hiệu của mình.
Dù ấn tượng ban đầu luôn quan trọng, nhưng khách hàng trong thời đại mạng xã hội như ngày nay thường thay đổi rất nhanh. Nếu chỉ trong 3 giây mà họ không hiểu bạn là ai, làm gì và có thể giúp họ như thế nào, họ sẽ không để ý đến bạn nữa. Hãy đảm bảo rằng ấn tượng đầu tiên bạn tạo luôn rõ ràng, súc tích và nhanh gọn.
Việc thay đổi chiến lược marketing có thể mang lại cho bạn cơ hội vàng để luôn đi cùng thời đại, vượt xa đối thủ cạnh tranh và mở rộng mạng lưới khách hàng. Nhưng cũng đừng mạo hiểm thay đổi thương hiệu đến nỗi ngay chính khách hàng hiện tại cũng không tài nào nhận ra bạn. Thay vào đó, bạn có thể từng bước đổi mới để củng cố thương hiệu và hình ảnh công ty thay vì đột ngột đổi 180 độ.
Theo Susan Gunelius