Congvien_it
Moderator
Đà Nẵng: Sau những màn pháo hoa rực rỡ
Dù đã là lần thứ 6 liên tiếp tổ chức, song cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng vẫn thu hút hàng chục vạn du khách. Hẳn nhiên, pháo hoa luôn rực rỡ, sôi động, nhiều cảm xúc... song sự hấp dẫn của Đà Nẵng đối với du khách không chỉ là sự kiện pháo hoa. Ngược lại, “cái được” của Đà Nẵng cũng không chỉ là lôi cuốn được nhiều người đến...

Đà Nẵng đã có nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ sự kiện pháo hoa quốc tế. Ảnh: Thanh Hải
Đà Nẵng: Sau những màn pháo hoa rực rỡ
Thương hiệu Đà Nẵng
Những tràng pháo tay liên hồi, những tiếng trầm trồ tán thưởng theo các màn trình diễn pháo hoa độc đáo của các đội đến từ Mỹ, Nhật Bản, Italia, Nga và đội chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam liên tiếp diễn ra trong 2 đêm 29-30.4 bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng đã khép lại đầy tiếc nuối. Giải nhất thuộc về đội Melrose Pyrotechnics - Mỹ, 2 đội xếp thứ nhì là Nhật Bản, Italia và đồng giải ba là Việt Nam và Nga.
Với việc áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ, việc phối nhạc nền với kỹ thuật trình diễn sắc màu, ánh sáng đến tuyệt kỹ của các đội đã khiến cho khán giả luôn có được cảm xúc vỡ òa, bất ngờ, đầy phấn khích. Tuy vậy, gần 400.000 lượt người đổ về Đà Nẵng dịp lễ hội lần này không chỉ để được ngửa mặt lên trời, thưởng thức bữa tiệc ánh sáng, âm thanh rộn vui là pháo hoa, mà còn vì một Đà Nẵng hiện đại, xanh, sạch, đẹp và thân thiện.
Cách đây gần 10 năm, khi bàn luận, chọn hướng đi cho Đà Nẵng để thay đổi cơ cấu kinh tế, lãnh đạo TP đã tỏ ra lúng túng. Đặc biệt, khi chọn lĩnh vực du lịch dịch vụ làm mũi nhọn, trong lúc thế mạnh về di sản, “điểm đến”... của Đà Nẵng là thua hẳn so với 2 địa phương liền kề là Huế và phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn của Quảng Nam. “Ngõ hẹp” của Đà Nẵng để phát triển du lịch, thu hút khách chỉ là xây dựng thương hiệu mới, mang dấu ấn Đà Nẵng. Mục tiêu thì rõ, nhưng lộ trình đó không hề đơn giản.
Hơn 10 năm chỉnh trang, mở rộng đô thị, phát triển hạ tầng để tạo ra “bộ mặt” mới của một Đà Nẵng hiện đại, tiện ích và thân thiện như bây giờ là cả một bước chuyển mình ngoạn mục. Hơn 90.000 hộ dân đã phải ra đi, ảnh hưởng di dời giải tỏa, nhường đất cho công trình. Gần như cả TP bị xới lên, xáo trộn hiện trạng. Cuộc sống, sinh hoạt, việc làm... của chục vạn người dân bị thay đổi. Sự phát triển chóng vánh đó đã mang lại tiếng thơm nhiều cho một Đà Nẵng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhưng hệ lụy của quá trình đô thị hóa cũng không ít điều tiếng.
Nhưng rồi những chông gai tất yếu đó đã dần đi qua. Đà Nẵng bây giờ đã thực sự là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Thống kê của ngành VHTTDL TP, đã có 2,65 triệu lượt khách đến Đà Nẵng trong năm 2012, tăng gấp 2 lần so với 5 năm trước (2008). Đặc biệt, thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 6.000 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần so năm 2008. Những con số này đang tiếp tục tăng trưởng mạnh vào năm 2013, mà dịp lễ hội pháo hoa quốc tế - 2013 là một minh chứng sống động.
Sau những màn pháo hoa rực rỡ
Phó GĐ Sở Ngoại vụ TP.Đà Nẵng - ông Mai Đăng Hiếu - cho biết, việc tìm tòi, luôn đổi mới, tạo ra những sự kiện văn hóa, thể thao du lịch độc đáo, riêng có của Đà Nẵng trong thời gian gần đây không chỉ nhằm mục đích phát triển du lịch, dịch vụ thương mại mà còn tranh thủ giới thiệu hình ảnh Đà Nẵng ra quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Hiếu chứng minh, riêng sự kiện pháo hoa quốc tế, với việc tham gia của Nhật Bản đúng vào dịp kỷ niệm chẵn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật là hết sức ý nghĩa. Dịp này, TP đã có hàng loạt các hoạt động xúc tiến đầu tư, ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư với các DN đến từ Nhật Bản. Đến nay, Đà Nẵng có 87 DN Nhật hoạt động, với tổng vốn đầu tư trên 350 triệu USD, giải quyết 25.000 việc làm, chiếm hơn 30% sản phẩm công nghiệp của TP.
Tương tự Nhật Bản, Hoa Kỳ đang là quốc gia có nhiều mối quan tâm đầu tư đến Đà Nẵng. Đặc biệt là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Công nghệ thông tin tập trung của Tập đoàn Rocky của Mỹ. Với mức đầu tư 287 triệu USD, Đà Nẵng kỳ vọng KCN CNTT tập trung này sẽ thành “thung lũng silicon” của Việt Nam.
Đặc biệt, Chính phủ đã ký kết với WB hiệp định tài trợ dự án phát triển bền vững TP.Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 272 triệu USD. Trong đó 202,4 triệu USD vốn vay từ WB và 69,7 triệu USD vốn đối ứng từ ngân sách TP. Dự án này sẽ giúp Đà Nẵng cải thiện hệ thống thoát nước, phát triển hệ thống xe buýt nhanh chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông...
Theo Lao Dong
Pháo hoa đã “làm nền” để Đà Nẵng mở rộng quan hệ, thu hút đầu tư, phát triển bền vững.