Congvien_it
Moderator
ĐÀ NẴNG HÚT KHÁCH DU LỊCH ĐƯỜNG BIỂN: MỪNG & LO
Những ngày đầu năm 2013, du lịch Đà Nẵng rộn ràng khi nhiều khách sạn được công bố đạt chuẩn, các đường bay mới được thiết lập và đặc biệt là sự tăng mạnh từ khách tàu biển. Sự gia tăng khách du lịch từ tàu biển trong những năm gần đây và những ngày đầu năm 2013 đưa đến hy vọng về một thị phần đầy hứa hẹn và có đóng góp lớn về KT-XH. Tuy nhiên, còn đó nhiều bất cập mà ngành Du lịch Đà Nẵng cần điều chỉnh đê tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho việc thu hút thị phần khách du lịch cao cấp này trong tương lai.
ĐƯỢC MÙA DU KHÁCH TÀU BIỂN
Theo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, quý I-2013, dự kiến sẽ có 48 chuyến tàu biển với khoảng 44.000 lượt khách cập cảng Tiên Sa. Hiện Đà Nẵng có một số Cty đón khach tàu biển, trong đó chủ yếu là Saigontourist và Tân Hồng. Riêng Saigontourist từ năm 2007 đến 2011 đã đón 127/236 chuyến tàu với 106.490 lượt khách. Hiện Cty đang khai thác các tàu Costa Classica, Pacific Venus, Princess Daphne, Astor, Bremen, SuperStar Aquarius từ các nước Australia, Anh, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Nhật...
Sự thành công của du lịch tàu biển không chỉ được đánh dấu bởi lượng khách tăng mà còn bởi nhiều hãng tàu lớn đã nối lại quan hệ làm ăn, nhận đưa khách trở lại Đà Nẵng. Các du thuyền này mang theo những đoàn khách sang trọng từ Anh, Pháp, Đức, Australia, Mỹ, Nga... góp phần làm thay đổi cơ cấu khách đến Đà Nẵng. Đặc điểm của đối tượng khách này là thiên về tham quan, ngắm cảnh, tìm hiểu bản sắc văn hóa cũng như nét đặc trưng trong đời sống thường nhật của mỗi điểm dừng chân. Đây là đối tượng có khả năng thanh toán cao và sử dụng những dịch vụ chất lượng cao. Chi tiêu bình quân của họ lớn hơn những đối tượng khách đến bằng đường bộ và đường hàng không, dao động khoảng 300-400USD/ngày/người.
Trong chiến lược phát triển kinh tế của Đà Nẵng, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm gần đây, lãnh đạo UBND thành phố đã quan tâm rất nhiều đến quy hoạch cũng như các chính sách hỗ trợ các dự án phát triển du lịch. Hệ thống các cơ sở lưu trú đang dần được hoàn thiện, có khả năng đáp ứng những nhu cầu khác nhau của du khách, từ bình dân đến cao cấp.
Đà Nẵng nhộn nhịp đón khách bằng đường biển nhưng vẫn lo
vì những bất cập chưa có lời giải.
CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM
Tất cả những điều thuận lợi trên giúp Đà Nẵng hội tụ đủ các điều kiện phục vụ du khách tàu biển. Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình tiếp cận và thu hút đối tượng khách sang trọng này vẫn còn nhiều. Đã khai thác thị trường khách du lịch trong nhiều năm nay nhưng Đà Nẵng vẫn chưa có cảng biển chuyên dụng phục vụ đón khách du lịch tàu biển. Hiện nay các tàu biển dù lớn hay nho khi cập cảng Tiên Sa - Cảng Đà Nẵng đều phải neo đậu nhờ cảng hàng hóa. Việc này gây rất nhiều bất cập, không chỉ cho các hãng tàu mà cho cả du khách và chủ nhà khi tiếp đón. Thêm vào đó, số DN khai thác và có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển rất thấp. Các DN có khả năng cung cấp đầy đủ, trọn gói các dịch vụ cho khách du lịch tàu biển như hướng dẫn viên du lịch nhiều thứ tiếng, phương tiện vận chuyển đường bộ cao cấp... còn rất hạn chế.
Sản phẩm du lịch Đà Nẵng còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút sức mua. Đối với kinh doanh du lịch nói chung, việc thu hút được ngày càng nhiều khách là điều rất quan trọng, song quan trọng hơn nữa là làm thế nào để giữ chân khách ở lại và số lượng khách quay trở lại chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số khách đến. Tuy nhiên, hiện nay thời gian lưu trú của khách du lịch tàu biển chưa dài, bình quân chỉ khoảng 1-2 ngày/lần cập cảng, thậm chí có những tàu chỉ dừng lại vài tiếng đồng hồ... Điều này phần nào cho thấy sản phẩm du lịch Đà Nẵng chưa thực sự thu hút và hấp dẫn du khách.
Thiết nghĩ, để phục vụ tốt nhất khách du lịch tàu biển đến với mình, Đà Nẵng cần phải có quy hoạch rõ ràng, cụ thể kết hợp giữa cảng hàng hóa và cảng du lịch, đảm bảo môi trường an toàn cho du khách. Sản phẩm du lịch cũng cần có những thay đổi đáng kể và một chiên lược đúng đắn. Khai thác, phát triển các dịch vụ du lịch biển đưa vào tour hoạt động của khách du lịch tàu biển; khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống; phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật như tuồng, dân ca bài chòi, múa Chăm... Đặc biệt, chú trọng phát triển một số trung tâm mua sắm, giải trí có quy mô lớn; xây dựng chiến lược phát triển du lịch tàu biển Đà Nẵng, tăng cường công tác quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng trên thị trường quốc tế...
Đà Nẵng có đầy đủ điều kiện để phát triển và trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch tàu biển, vấn đề còn lại là phải biết cụ thể hóa những ưu thế đó thành hiện thực.
Mỹ Hạnh (Theo cand)