Congvien_it
Moderator
Tạo thêm kênh phân phối sản phẩm nông nghiệp của Đà Nẵng
Được đưa các sản phẩm nông nghiệp của mình vào các siêu thị, chợ đầu mối, các chợ lớn trên địa bàn thành phố là ước mơ của nhiều hợp tác xã, đơn vị sản xuất; hệ thống siêu thị, các chợ cũng cho biết, họ luôn “mở cửa” đối với các nguồn hàng từ địa phương, song thực tế khách hàng rất khó tìm thấy các sản phẩm nông sản của Đà Nẵng tại các siêu thị, chợ đầu mối.
Để tạo cầu nối giữa kênh sản xuất và phân phối hàng nông sản trên địa bàn thành phố, ngày 9-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết và lãnh đạo Sở Công Thương đã chủ trì buổi làm việc giữa các hợp tác xã, các siêu thị, Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Chỉ đáp ứng 5-10% thị trường
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện Đà Nẵng có khoảng 50 hợp tác xã, cơ sở sản xuất hàng nông sản với các sản phẩm gồm rau, củ quả các loại, nấm các loại, giết mổ gia súc, trứng gia cầm, hoa cây cảnh và một số mặt hàng khác như tiêu, mè, bắp, dưa, cá… Trong đó, nhiều đơn vị đã có sự đầu tư, nghiên cứu, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả như sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ để ổn định và phát triển sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, lượng hàng nông sản của các đơn vị sản xuất này còn rất ít, mới chỉ đáp ứng khoảng 5-10% nhu cầu của thị trường Đà Nẵng. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ các loại hàng nông sản trên địa bàn thành phố rất lớn với khoảng 200 tấn trái cây/ngày, 350-400 tấn rau các loại/ngày. Do vậy, tiểu thương các chợ, hệ thống siêu thị… phải đi tìm nguồn hàng từ các địa phương khác, chủ yếu là từ Lâm Đồng - Đà Lạt và một số tỉnh phía Bắc.
Mặc dù chất lượng bảo đảm, nhu cầu thị trường cao nhưng những cơ sở sản xuất vẫn không thể tiếp cận được kênh bán hàng của hệ thống các siêu thị, sản phẩm chủ yếu được bán cho các thương lái với sự bấp bênh về nguồn cung và thường xuyên bị ép giá. Bà Nguyễn Thị Mùi - Hợp tác xã Sản xuất giống và Nuôi trồng nấm An Hải Đông chia sẻ: “thật sự chúng tôi mù tịt thông tin. Các xã viên thường phải trực tiếp ra các chợ bán lẻ hoặc đi bỏ hàng tại các quán ăn. Không ai dám làm nhiều vì sợ không có người mua, trong khi nấm đã thu hoạch qua đến hôm sau là bỏ”. Ông Mai Phước Bình, đại diện Chi hội nghề nghiệp nuôi tôm thôn Trường Định cũng bày tỏ sự lo lắng khi còn khoảng 20 ngày nữa, vụ thu hoạch đầu năm 2013 với sản lượng khoảng 20 tấn vẫn chưa có đầu ra: “giá cả và công tác thu mua sản phẩm hầu như phải phụ thuộc vào thương lái”.
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu
Đại diện của các siêu thị Co.op Mart, BigC, Intimex Đà Nẵng, Metro, các doanh nghiệp phân phối đều cho rằng, nhu cầu của thị trường là rất lớn. Tuy nhiên cái khó nhất của các cơ sở sản xuất là nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến việc cung cấp nguồn hàng thường xuyên bị đứt quãng và số lượng không nhiều.
Đặc biệt, các cơ sở sản xuất vẫn xem nhẹ việc đăng ký chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Đây là những yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các ngành hàng tại các siêu thị lớn. Ông Nguyễn Thành Nhân, Quản lý ngành hàng tươi sống của Co.opmart cho biết, nếu các đơn vị sản xuất bảo đảm được số lượng và đầy đủ giấy tờ chứng nhận chất lượng, chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì Co.op sẵn sàng tiếp nhận bất cứ lúc nào. Đại diện BigC cũng cho biết, đơn vị này luôn mong muốn đưa các mặt hàng rau sạch, nấm tươi và các loại đặc sản Đà Nẵng vào siêu thị, nhưng điều kiện tiên quyết là sản phẩm phải có xuất xứ nguồn gốc, chất lượng bảo đảm.
Cơ sở sản xuất rau sạch của Công ty CP SX&TM Việt Thiên Ngân.
Việc có đầy đủ các loại chứng nhận, xây dựng được thương hiệu không chỉ tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản sạch đi vào các siêu thị, nhà hàng thuận lợi hơn mà còn nâng cao giá trị so với sản phẩm cùng loại. Ông Trần Văn Hoàng, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn La Hường (Cẩm Lệ) cho biết, trước khi có thương hiệu, La Hường chỉ bán được khoảng 300kg/ngày, nay thì thương lái, các đơn vị phân phối đã tìm đến tận nơi để thu mua, mỗi ngày cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn rau, giá thu mua cũng cao hơn trước.
Tuy nhiên, hầu hết các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức sản xuất tập trung, chủ yếu sản xuất ngay tại nhà của các xã viên. Việc tiếp xúc với các nguồn thông tin, khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế. Do vậy, rất cần các doanh nghiệp phân phối sản phẩm đi xuống vùng sản xuất, gặp gỡ và trao đổi các yêu cầu về số lượng, chất lượng cũng như thực hiện cập nhật thông tin trong quá trình sản xuất, xác định nguồn gốc sản phẩm… Bên cạnh đó, chính quyền thành phố và ngành nông nghiệp cũng phải đưa ra những kế hoạch dài hạn, sớm quy hoạch các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp để người dân yên tâm sản xuất; việc này cũng giúp các nhà phân phối sản phẩm cũng không phải loay hoay đi tìm nguồn cung cấp khác, ổn định, lâu dài hơn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã yêu cầu Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phải trực tiếp giám sát việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các hợp tác xã trong việc đăng ký nhãn hiệu sản xuất, hướng dẫn đăng ký tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… Để tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường, Phó chủ tịch cũng yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai một số gian hàng dành riêng tại chợ đầu mối, nếu thực hiện thành công, sẽ tiếp tục nghiên cứu để triển khai xuống các chợ cấp 2, cấp 3 trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, ông Viết cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét khả năng xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ nấm để giải quyết nguồn hàng cho các hợp tác xã, nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định thu nhập cho người dân.
NGỌC THỦY
Theo Danang.gov