Congvien_it
Moderator
Nghĩ về Đà Nẵng hôm nay và ngày mai – GS. Hoàng Chương
Đại hội Đảng lần thứ XI kết thúc thành công, riêng TP. Đà Nẵng có tới hai nhân vật lãnh đạo được bầu là Uỷ viên TW Đảng. Điều đó cũng cho thấy vị thế của thành phố lớn nhất miền Trung này đang phát triển với tốc độ phi mã, năm nào cũng đạt tới con số đáng nể phục là 11%,12%, mặc dù cơn báo khủng hoảng kinh tế vẫn lướt qua Đà Nẵng và mặc dù thiên tai vẫn luôn luôn rình rập đe doạ người Đà Nẵng, nhưng tinh thần con người xứ Quảng không bao giờ nao núng, chuyển lay và luôn luôn muốn vươn tới tầm cao, muốn cất cánh bay cao bay xa. Cũng từ tính cách quyết đoán, quyết chiến, quyết thắng cộng với tâm hồn lãng mạn của con người sống bên dòng sông Hàn thơ mộng mà nảy ra những ý tưởng táo bạo: xây dựng thành phố Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển khu vực Asean và Châu Á.
Có lẽ không ai có thể phản bác hoặc nói khác đi, vì nghị quyết 33 của Bộ chính trị đã chỉ rõ: Đà Nẵng là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên và Nghị quyết Đại hội đảng bộ thành phố lần thứ XX cũng đề ra mục tiêu: Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố có môi trường sống lý tưởng mang giá trị nhân văn, hạnh phúc cho con người. Đà Nẵng mong muốn không chỉ sánh mình với các địa phương trong cả nước mà còn sánh ngang với các thành phố nổi tiếng khác trên thế giới nhằm khẳng định vị thế và tầm vóc của thành phố trẻ bên bờ sông Hàn và khẳng định niềm tin son sắc vào tương lai của thành phố. Chính vì thế mà ý tưởng xây dựng thành phố Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực Asean và Châu Á là có cơ sở khả thi, nên đã thu hút được nhiều ý tưởng hay từ những nhà nghiên cứu, nhà quản lý, kể cả doanh nhân. Dĩ nhiên, không phải tất cả những ý tưởng mới hôm nay đều hay hơn những ý tưởng, những ý kiến hôm qua. Tôi còn nhớ cách đây hơn 3 năm lãnh đạo Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo phát triển kinh tế, văn hoá Đà Nẵng. Đã có nhiều ý kiến tham luận khá hay, khá trúng mà đến hôm nay có thể ứng dụng rất tốt, giống như một vở tuồng hay của Đào Tấn, hoặc của Nguyễn Hữu Dĩnh, cho dù đã có tuổi đời hàng trăm năm trước, nhưng tính nhân văn, giá trị thẩm mỹ và tính giáo huấn của nó vẫn có giá trị cao đối với cuộc sống đương đại. Quá khứ và hiện tại thường có những nét tương đồng, nên khai thác và ứng dụng cho sự nghiệp phát triển thành phố hôm nay.
Khi nói tới phát triển đất nước nói chung và phát triển thành phố Đà Nẵng nói riêng không thể tách rời hai thành tố kinh tế và văn hoá, vì kinh tế và văn hoá là bộ đôi luôn luôn song hành tồn tại. Đôi chân văn hoá và kinh tế như hai cột trụ cho sự xây cất ngôi nhà bền vững, để lệch một bên là ngôi nhà sẽ bị nghiêng. Con người đi một chân sẽ bị ngã. Một đất nước chỉ có quan tâm phát triển kinh tế thì khác nào ngôi nhà xây không móng - móng là văn hoá, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là nhân tố thúc đẩy cho kinh tế phát triển. Nghị quyết TW 5 khoá VIII đã nhấn mạnh: “Xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong nghị quyết TƯ lần thứ XI, luận điểm trên vẫn được nhắc lại một cách nghiêm túc. Một đất nước mà nền văn hoá nông cạn, không có bề dày truyền thống, thiếu chiều sâu, thiếu bản sắc, thì đất nước đó sẽ không tồn tại bền vững, dễ dàng bị xâm lăng và bị đồng hoá. Một thành phố hiện đại mà thiếu truyền thống văn hoá và mờ nhạt bản sắc văn hoá thì khó thu hút được con người trong thế giới hội nhập hôm nay. Thành phố Tokyo (Nhật Bản) hiện đại ngang tầm với các nước lớn ở Âu, Mỹ nhưng trong lòng nó vẫn tồn tại một nền văn hoá hàng ngàn năm như Kịch Nô, Kabuki, Bunraku…Chúng được coi là bảo vật quốc gia của Nhật Bản và được Unessco công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Người Nhật Bản tự hào về nền văn hoá ấy. Người nước ngoài đến Tokyo không được xem kịch Nô thì coi như chưa tới Tokyo (Bất đáo kịch Nô, bất đáo Tokyo). Người Trung Quốc cũng tự hào về những di sản văn hoá vĩ đại của mình như Kinh kịch, Vạn Lý Trường Thành…Người ta nêu tuyên ngôn (Bất đáo Trường Thành phi hảo hán , Bất đáo Quán trà Lão Xá, Bất đáo Trung hoa )
Ở Việt Nam ta, những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang phát triển tương đối hài hoà giữa kinh tế và văn hoá. Hà Nội có hàng trăm di tích văn hoá, có hàng chục đoàn nghệ thuật dân tộc như chèo, tuồng, múa rối nước…TP Hồ Chí Minh còn ít di sản văn hoá, nhưng nhiều hơn về số lượng đơn vị nghệ thuật xã hội hoá, mang tính hiện đại. Còn thành phố Đà Nẵng thì phát triển kinh tế rất nhanh, bộ mặt thành phố thay đổi từng ngày, trong khi văn hóa lại có phần tiệm tiến so với tốc độ kinh tế. Người ta nói: “Đà Nẵng chỉ có ngày mà chưa có đêm” ý nói sinh hoạt văn hoá (chủ yếu là ban đêm) còn thưa thớt vắng tẻ. Một nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh còn khiêm tốn nằm giữa trung tâm thành phố, nhưng không thường xuyên đỏ đèn mà chủ yếu là phục vụ cho khách du lịch trên bến cảng sông Hàn. Một câu lạc bộ ca múa nhạc dân tộc còn quá nhỏ bé thì làm sao thoả mãn được nhu cầu của nhân dân bản địa và khách du lịch quốc tế ngày càng đông. Xin nhớ rằng người nước ngoài đến Việt Nam là để khám phá văn hoá - Văn hoá càng cổ xưa, càng dân dã thì càng hấp dẫn con người hiện đại, nhất là người phương Tây, chứ không phải họ thích xem nhà cao tầng, khách sạn nhiều sao. Tuy Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng cho những địa danh tuyệt mỹ như Sông Hàn, như Bà Nà, như Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm và Bảo tàng Chàm bằng đá cổ kính. Gần đây còn có thêm làng Mỹ nghệ đá Non nước và Không gian xưa của doanh nhân Lê Hữu Huy. Nhưng văn hoá phi vật thể (cụ thể là nghệ thuật dân tộc như Bài Chòi, hò Quảng, múa hát Chăm Pa, Đờn ca Hát Bội, Lễ hội dân gian…hãy còn quá ít xuất hiện, vì chưa khai thác và phát huy đúng mức, mặc dù như tôi biết người đứng đầu chính quyền thành phố rất quan tâm và yêu thích nghệ thuật dân tộc. Vấn đề là chuyên gia văn hoá, tài năng văn hoá được tập họp, được trọng dụng và phát huy như thế nào như Lê Nin đã nói: “Tài năng là của hiếm, cần phải trân trọng và bảo vệ một cách thường xuyên và tế nhị”.
Đà Nẵng đang hội tụ các yếu tố nội lực và ngoại sinh, đang có một tiềm năng văn hoá phong phú đa dạng nếu biết khai thác và phát huy sẽ đủ sức để song hành cùng kinh tế thực hiện ý tưởng xây dựng một thành phố ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực Asean và Châu Á.
Đà Nẵng là một thành phố lớn sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trực thuộc Trung ương nằm giữa cái rốn của khúc ruột miền Trung, hội tụ nhiều luồng văn hoá trong vùng miền, nhưng vẫn giữ đặc trưng Xứ Quảng. Người xứ Quảng (Quảng Nam- Đà Nẵng) luôn luôn hiếu khách và mang đậm nghĩa tình như cao dao xưa đã ví:
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa uống đà say
Bậu về nằm nghĩ gác tay
Hỏi nơi mô ơn trọng nghĩa dày bằng Ni...”
Rượu Hồng Đào chưa uống đà say
Bậu về nằm nghĩ gác tay
Hỏi nơi mô ơn trọng nghĩa dày bằng Ni...”