BNN
Hỏa Sơn
Đèo Hải Vân sẽ được đầu tư xứng đáng là cửa ngõ đi vào thành phố
Ngày 14-11, tại buổi họp bàn phương án quản lý và khai thác dịch vụ tại đèo Hải Vân, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, bình quân mỗi ngày có từ 1.000 – 2.000 lượt du khách đến tham quan tại đây, trong đó chủ yếu là khách quốc tế. Hiện có 15 kiốt đang bán hàng tại khu vực đỉnh đèo, gồm 12 kiốt trên địa phận Đà Nẵng và 03 kiốt trên địa phận Huế.
Đèo Hải Vân, vốn được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, sẽ được đầu tư xứng đáng là cửa ngõ đi vào thành phố
Đỉnh đèo Hải Vân là khu vực không chỉ có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn chứa đựng những di tích văn hóa-lịch sử qua ba giai đoạn phong kiến – chống Pháp – chống Mỹ. Do vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh đã thống nhất, về cơ bản cần phải có sự đầu tư cho toàn bộ khu vực đỉnh đèo Hải Vân, nâng cao chất lượng phục vụ du khách và tạo điểm nhấn ngay tại cửa ngõ đi vào thành phố.
Trước mắt, thành phố sẽ đầu tư xây mới lại các kiốt bán hàng và cho các hộ kinh doanh hiện nay ký hợp đồng thuê lại, yêu cầu các hộ phải ký cam kết đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, tuyệt đối không cho người bu bám chèo kéo khách du lịch, đồng thời niêm yết công khai giá bán hàng hóa. Nếu hộ nào không đảm bảo yêu cầu thì sẽ không cho ký hợp đồg thuê kiốt nữa.
Các kiốt tạm bợ bán hàng lưu niệm tại khu vực đỉnh đèo sẽ được xây mới theo mẫu và cho các hộ kinh doanh thuê lại
UBND quận Liên Chiểu chịu trách nhiệm thành lập Ban Điều hành quản lý toàn bộ các hoạt động dịch vụ tại khu vực đỉnh đèo và công tác an ninh trật tự, chính chèo kéo khách du lịch; đồng thời phối hợp Điện lực Đà Nẵng lập phương án kéo điện lên đỉnh đèo. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố sớm lập hồ sơ đề nghị UBND thành phố công nhận khu vực đỉnh đèo Hải Vân là điểm du lịch của địa phương.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng thành phố sớm triển khai lập quy hoạch chi tiết tại khu vực đỉnh đèo Hải Vân, trong đó có tính đến phương án tu bổ lại di tích, xây dựng hệ thống nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, lắp đặt các bạng hướng dẫn du lịch, các bảng nội quy tham quan và bảo vệ môi trường tại khu vực này. Về lâu dài, thành phố sẽ tính đến phương án xã hội hóa và kêu gọi nhà đầu tư khai thác dịch vụ toàn bộ khu vực đỉnh đèo theo quy hoạch.
Thành phố sẽ thu hồi và sửa sang lại Nhà điều hành VNPT (hiện để hoang gần các di tích) để bố trí thành
nhà làm việc cho Ban Điều hành quản lý các hoạt động dịch vụ tại khu vực đỉnh đèo
nhà làm việc cho Ban Điều hành quản lý các hoạt động dịch vụ tại khu vực đỉnh đèo
Đỉnh đèo Hải Vân có diện tích mặt bằng khoảng vài ngàn mét vuông (bao gồm cả đường giao thông). Chính giữa đỉnh đèo là ranh giới phân chia hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Do có vẻ đẹp hoang sơ trữ tình, vốn được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, nên phần lớn các chương trình, tour du lịch theo tuyến Đà Nẳng – Huế thường dừng ở đỉnh đèo cho du khách ngắm cảnh và chụp ảnh.
Kể từ tháng 4-2011, UBND quận Liên Chiểu đã phối hợp với Đồn Biên phòng 244 bố trí lực lượng thường trực tại đỉnh đèo, thay vì giao cho Công an phường Hòa Hiệp Bắc như trước đây, đồng thời triển khai một số biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch. Nhờ vậy, tình trạng đeo bám, chèo kéo khách đã giảm, tình hình an ninh trật tự tại khu vực đỉnh đèo đến nay đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án giải quyết tạm thời. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh môi trường tại khu vực này vẫn chưa được đảm bảo, chưa có nhà vệ sinh công cộng. Rác thải vẫn còn vương vãi khắp đường và lối lên xuống khu di tích gây mất mỹ quan. Đỉnh đèo còn nơi phân chia ranh giới 2 địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý.
NGUYÊN MINH