BNN
Hỏa Sơn
Công trình thể thao biến thái - Lãng phí ở Đà Nẵng
Cùng quá trình chỉnh trang, quy hoạch đô thị của TP, hệ thống hạ tầng, công trình phục vụ thể thao Đà Nẵng đang ngày một teo tóp.
Một số các công trình thể thao hết sức hoành tráng được TP đầu tư, xây dựng để phục vụ cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010 lại sử dụng không hiệu quả, không phát huy hết công năng.
Khủng hoảng thiếu
Kể từ khi "khu tứ giác vàng" (nằm giữa 4 con đường trung tâm thành phố: Hùng Vương, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Chi Lăng), bao gồm cả SVĐ Chi Lăng, bị bán cho Tập đoàn Thiên Thanh để đầu tư xây dựng khu phức hợp, thương mại, ngành thể thao Đà Nẵng thực sự khốn đốn. Gần 400 VĐV chuyên nghiệp thuộc 26 nhóm môn thể thao thành tích cao của Đà Nẵng không còn chỗ ăn, ở, sinh hoạt lẫn nơi tập luyện.
Để giải quyết tình thế, UBND TP quyết định cho Trung tâm huấn luyện và đào tạo (HL-ĐT) VĐV mượn tạm 2 block tại chung cư Nam cầu Trần Thị Lý để các VĐV tạm trú. Chuyện ăn, ở nhờ vậy cũng tạm yên nhưng còn nơi tập luyện thì gần như bế tắc. Ngoài một số nhóm môn điền kinh và đội tuyển bóng đá SHB Đà Nẵng được tập ké ở sân Chi Lăng, các môn khác phải bạ đâu tập đó, tận dụng tối đa mọi quan hệ, mọi khoảng trống để có nơi tập luyện. Đội tuyển cử tạ tập nhờ ở nhà tập thể lực của đội bóng SHB Đà Nẵng, các môn võ tập tạm ở các hành lang của Cung thể thao Tiên Sơn, các môn khác tùy tình hình khi thì tập tại Trung tâm TDTT Quốc phòng 3 (Quân khu 5) hoặc tại Trường ĐH TDTT Đà Nẵng, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng… Chi phí vì thế cũng tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng tiền thuê xe chở VĐV từ nơi ở đến các địa điểm tập luyện trong năm 2012 của Trung tâm HL-ĐT VĐV Đà Nẵng đã xấp xỉ 1 tỉ đồng.
Thể thao đỉnh cao đã vậy, thể thao phong trào ở Đà Nẵng còn bi đát hơn. Số công trình thể thao phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân tại các quận nội thành chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu tập trung tại các bãi biển. Hệ thống cơ sở hạ tầng thể thao dành cho các quận huyện hầu như còn nằm trên giấy. Trong số 6 quận nội thành, mới chỉ có quận Sơn Trà được đầu tư xây dựng nhà tập luyện, quận Ngũ Hành Sơn có sân vận động đúng nghĩa còn những nơi khác vẫn chưa được đầu tư đầy đủ. Nhìn đi nhìn lại, cả TP.Đà Nẵng chỉ có vài công trình thể thao đúng chuẩn là Cung thể thao Tiên Sơn, CLB bơi lặn, CLB đua thuyền Đồng Nghệ, Trung tâm TDTT người cao tuổi, sân tập golf.
<table align="center"> <tbody> <tr> <td>
Nhà tập luyện taekwondo Đà Nẵng nhếch nhác chưa từng thấy
Cung Tiên Sơn chưa khai thác hết công năng, còn lãng phí - Ảnh: Đông Nghi
Bất hợp lý
Trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho thể thao Đà Nẵng đang thiếu trầm trọng thì những công trình thể thao hết sức hoành tráng tại Đà Nẵng lại không được sử dụng hiệu quả, hoặc không thể phát huy hết công năng, thậm chí gần như bị bỏ hoang.
Khánh thành cuối năm 2010, Cung thể thao Tiên Sơn được đánh giá là hiện đại nhất, nhì khu vực Đông Nam Á với quy mô xây dựng hơn 40.000 m2, vốn đầu tư xây dựng hơn 1.000 tỉ đồng. Vậy nhưng, kể từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay, công trình thể thao bề thế này chưa bao giờ tổ chức sự kiện thể thao nào đủ sức hấp dẫn để lấp đầy 6.000 chỗ ngồi (có thể mở rộng lên 7.200 chỗ) như sức chứa theo thiết kế.
Theo ông Ngô Trường Thọ, Giám đốc Cung thể thao Tiên Sơn, trong năm 2012 này, ngoài các sự kiện thể thao của TP, Cung Tiên Sơn còn đăng cai các giải thể thao mang tầm quốc gia hoặc châu lục như giải bóng chuyền nữ học sinh châu Á, cúp judo các CLB toàn quốc, giải futsal VĐQG… Tuy nhiên, các giải này đều không đủ hấp dẫn để thu hút người hâm mộ mua vé vào xem. Vì thế, để tạo nguồn thu bù vào chi phí bảo trì, bảo dưỡng và cải thiện thu nhập cho CB-CNV, Cung Tiên Sơn còn tổ chức các giải phong trào của các sở, ban, ngành trong và ngoài thành phố và cho thuê mặt bằng tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật như đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2012 và các chương trình ca nhạc, tạp kỹ lớn. Dù vậy, theo ông Thọ, tính tất tần tật các khoản thu cũng chưa đến 2 tỉ đồng. "Cả công trình quy mô thế này mà không có giải đấu nào khai thác hết công năng thì kể cũng phí thật, nhưng biết làm sao được?!", ông Thọ nói.
Nằm cạnh Cung thể thao Tiên Sơn, CLB bơi lặn TP.Đà Nẵng cũng chẳng khá hơn. Với 1 bể thi đấu chiều dài 50 m có đồng hồ điện tử xác định thành tích, 1 bể khởi động 25 m cùng hệ thống khán đài, phòng chức năng đầy đủ, CLB này đủ tiêu chuẩn để tổ chức các giải bơi lặn tầm quốc gia và khu vực. Thế nhưng, vì không có hệ thống sưởi ấm nước hồ nên CLB chỉ hoạt động hết tần suất vào mùa hè còn đến mùa đông, hầu như chỉ có VĐV của đội tuyển thành phố tập luyện. Theo số liệu từ ban chủ nhiệm, trong năm 2012, CLB bơi lặn đã tổ chức dạy bơi phổ cập cho hơn 2.000 lượt người nhưng nguồn thu dịch vụ này chưa đủ để… thay nước và mua hóa chất làm sạch hồ bơi. Đã thế, kể từ khi SVĐ Chi Lăng bàn giao cho chủ mới, toàn bộ các phòng, ban của Trung tâm HL-ĐT VĐV thành phố cũng dời về đây làm việc khiến đời sống, sinh hoạt của VĐV, HLV đội tuyển bơi lặn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, chỉ có 1/2 số VĐV của đội tuyển bơi, lặn được ăn, ở tại CLB, số còn lại phải sang chung cư ở chung với VĐV các môn khác.
Năm 2005, nhà tập luyện taekwondo TP.Đà Nẵng có diện tích 1.000 m2 với tổng kinh phí xây dựng 150.000 USD do tổ chức Sunny Korea (Hàn Quốc) tài trợ được khánh thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng đến giữa năm 2011, UBND TP lại có chủ trương giao nhà thi đấu cùng khuôn viên xung quanh cho đơn vị khác khai thác, các VĐV phải chuyển sang ở chung với VĐV các môn khác ở chung cư. Từ đó đến nay, ngày 3 buổi chỉ có lèo tèo vài VĐV trong đội tuyển taekwondo TP đến đây tập luyện. Thiếu chăm sóc, bảo dưỡng, công trình này hiện đang bị xuống cấp trầm trọng. Xung quanh, cỏ dại mọc đầy, bít gần hết lối đi. Hệ thống thoát nước từ mái nhà bị hỏng, gây thấm dột bên trong lẫn ngoài nhà tập luyện. Nhà vệ sinh cái thì mất cửa, cái thì không thể sử dụng do bị người ngoài vào phóng uế bừa bãi.
Đông Nghi (Thanh Niên)