BNN
Hỏa Sơn
"Nhì thời nhà dột…"
Đang là mùa mưa bão nhưng nhiều khu chung cư của người dân, nhà trọ cho công nhân và sinh viên thuê, mướn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ngập, dột là nỗi khó chịu thường ngày mà những ai sinh sống nơi đây phải đối mặt. Nỗi khó chịu xếp thứ hai trong tam khổ: “nhất thời vợ dại trong nhà, nhì thời nhà dột, thứ ba nợ đòi...”.
Nhà trọ ngập
Tại các khu vực lân cận trường Đại học Sư phạm, Đại học Bách khoa, Cao đẳng Công nghệ hay Khu công nghiệp Hòa Khánh... khá nhiều nhà trọ bị dột nát, ẩm thấp và ngập nước khiến cho việc học tập, sinh hoạt của nhiều sinh viên, công nhân gặp vô vàn khó khăn. Tìm đến một số phòng trọ trong các hẻm, kiệt tại khu vực Hòa Khánh, chứng kiến cảnh sinh viên tìm cách tát nước ra khỏi phòng, hứng từng xô, chậu khi nước dột từ trên mái nhà xuống mới hiểu hết sự vất vả của các em trọ học mùa mưa.
Phạm Thu Phương – sinh viên năm 3 ĐHSP đang thuê phòng tại K457/71-Tôn Đức Thắng cho biết: “Mỗi đợt mưa bão đến là sinh viên cả dãy phòng trọ của tụi em rất khổ, nước ngập vào tận nhà nên mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn”. Quần áo bị ướt, chỗ nấu ăn bị ngập nước nên phải ăn cơm bụi, căn phòng nhỏ khoảng 15m2 chỗ nào cũng dột, duy chỉ có vị trí đặt chiếc giường ngủ là an toàn nhất nhưng lại phải kê thêm mỗi bên chân giường 5 cục gạch cao lên kẻo nước dưới sàn nhà tràn lên ướt lưng. Vậy nhưng, tối ngủ, hơi nước bốc lên hôm sau bị đau không đi học được.
<table style="WIDTH: 20px; HEIGHT: 20px" align="center" cellpadding="0" cellspacing="2"> <tbody> <tr> <td>
Phòng trọ của SV và công nhân khu vực Liên Chiểu vẫn thường ngập nước trong mùa mưa.
</td></tr></tbody></table>Tại K22 đường Phạm Như Xương có một con mương dọc đường. Mưa nhỏ thì con mương giúp dẫn nước từ trong các khu nhà trọ chảy ra ruộng vườn lân cận, song khi trời mưa to con mương lại gần như là “thủ phạm” gây ngập cho cả khu vì nước thoát không kịp nên cứ dâng lên cao, vào các phòng. Những người lạ điều khiển xe máy ở khu vực này không quen đường có thể bị lao xuống mương bất cứ khi nào bởi kiệt nhỏ, nước lại ngập lên cao không thể nhìn rõ. Phòng trọ của Phạm Hồng Minh – SV ĐHBK nước tràn từ cổng vào nhà, qua các phòng khác và tràn ra khu vệ sinh chung của cả khu. Em nói: “Phòng của em bị dột đã mấy năm nhưng chủ nhà nói không sửa lại nữa vì nghe nói khu này sắp giải tỏa, nếu sửa lại thì tốn kém cho họ mà cho thuê không được bao nhiêu lâu nữa”. Ký túc xá thiếu phòng nên chỉ dành cho những trường hợp ưu tiên nên buộc đa số phải chọn giải pháp phòng trọ và đi cùng là việc hư hỏng tài sản do mưa bão, máy tính bị thấm nước...
Tình hình phòng trọ của công nhân cũng không khá hơn. Nguyễn Thị Hạnh – Công nhân Cty Foster đang ở trọ gần chợ Thành Vinh nói: “Do điều kiện khó khăn, không có phương tiện đi lại nên tôi chọn ở gần chỗ làm cho tiện và tiết kiệm. Nhưng nhà trọ ở đây hầu như đều chất lượng kém, khu thì dột, khu lại ẩm thấp, thiếu nước, mất vệ sinh”... Theo khảo sát của chúng tôi, một số khu nhà trọ còn ở gần nghĩa địa, mỗi lần mưa là nước chảy từ đó vào, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh...
<table style="WIDTH: 20px; HEIGHT: 20px" align="center" cellpadding="0" cellspacing="2"> <tbody> <tr> <td>
Một lối đi dẫn vào khu trọ SV và công nhân tại khu vực Liên Chiểu.
</td></tr></tbody></table>Chung cư cũng dột
Không chỉ có nhà trọ, nhiều khu chung cư ở Đà Nẵng cũng trong tình trạng xuống cấp nặng. Chị Lê Thị Ánh Loan hiện đang ở tại khu chung cư P. Thanh Khê Đông nói: “Tôi thuộc diện giải tỏa khi thành phố xây dựng Khu di tích lịch sử chùa Hải Châu nên nhận chung cư từ năm 2000. Vào ở được một thời gian mới biết phòng đã bị nứt trần, từ đó nước tràn qua các khe tường nên không thể sinh hoạt được, thậm chí cái nệm để cả gia đình ngủ để trên gác nhưng vẫn ướt. Đêm đến mỗi người tự tìm một góc khô ráo để ngủ”. Nhiều gia đình lân cận cũng trong hoàn cảnh tương tự.
<table style="WIDTH: 20px; HEIGHT: 20px" align="center" cellpadding="0" cellspacing="2"> <tbody> <tr> <td>
Khu chung cư Thanh Khê Đông đang trong tình trạng xuống cấp nhanh.
</td></tr></tbody></table>Không chỉ có chung cư P. Thanh Khê Đông, một số chung cư khác như Thuận Phước, Nại Hiên Đông, Liên Chiểu... cũng “dột khắp nhà, nhận ra xuống cấp”. Ở chung cư Nại Hiên Đông, một số gia đình phải sống trong cảnh mùi hôi thối do hố xí u không thể thoát nước, nhỏ từ tầng trên xuống tầng dưới đọng thành vũng. Ông Huỳnh Văn Thanh – Tổ trưởng Khu chung cư Nại Hiên Đông cho biết: “Ngày nào trời đổ mưa là người dân lại gặp tôi than thở, họ nói: Anh Thanh phải làm gì đi chứ ở thế này thì làm sao chúng tôi chịu được. Không còn cách nào khác tôi đành động viên mọi người cố gắng, giải thích cho người dân hiểu vì nguồn kinh phí không có nên BQL nhà chưa thể khắc phục”. Theo thống kê của BQL Nhà Đà Nẵng, hiện nay trên địa bàn thành phố có 28 chung cư và 5 khu nhà liền kề với 4.906 căn hộ. Bên cạnh những khu có chất lượng tốt, nhiều khu đã xuống cấp và thiếu nguồn kinh phí sửa chữa, trong khi đó một số hộ thuê và mua chung cư vẫn chưa trả tiền...
<table style="WIDTH: 20px; HEIGHT: 20px" align="center" cellpadding="0" cellspacing="2"> <tbody> <tr> <td>
Căn phòng của gia đình chị Loan luôn bị nước tràn vào nhà mỗi khi mưa.
</td></tr></tbody></table>Hầu hết những sinh viên, công nhân, cư dân ở nhà trọ và chung cư là các trường hợp khó khăn, thu nhập thấp hoặc chưa có thu nhập. Tình trạng kinh tế như vậy nên họ khó có thể đòi hỏi tiện nghi cao hơn. Song thực tế luôn phải đối diện với những nguy hiểm khi mùa mưa đến như: nhà rạn nứt có thể sập, nước nhiễm vào các ổ điện, hư hỏng đồ gia dụng, sinh hoạt bị đảo lộn... là những thông điệp khẩn thiết để chính quyền, các ngành chức năng tham khảo, có chính sách, biện pháp đầu tư, nâng cấp... cải thiện nơi ở đồng thời giảm tải nỗi lo sợ mỗi khi mùa mưa bão đến...
Mai Nguyễn (CAĐN)