Congvien_it
Moderator
Đà Nẵng: Hàng trăm ngàn lao động ngoài vòng quản lý
Trần Duy Hùng tại cơ sở sửa xe Nam Long. Ảnh: Thanh Hải
Trần Duy Hùng tại cơ sở sửa xe Nam Long. Ảnh: Thanh Hải
Hàng trăm ngàn lao động (LĐ) thuộc lĩnh vực “phi kết cấu kinh tế”, LĐ phổ thông làm việc tại các cơ sở tư nhân, các xưởng sản xuất nhỏ, hộ gia đình, nhà hàng... ở TP.Đà Nẵng đang trong thực trạng ngoài vòng quản lý, không được bảo vệ.
Trần Duy Hùng - 28 tuổi, quê Duy Xuyên (Quảng Nam), học nghề sửa xe máy tại cơ sở Nam Long, Đà Nẵng - cho biết, tại cơ sở sửa xe Nam Long thường xuyên có 4-6 thợ sửa xe vừa làm vừa học như Hùng, nhưng thường luân phiên người mới. Ai có điều kiện nhanh ra riêng, ngược lại, làm công ăn lương luôn tại nhà thầy. Mức lương thì... “nắng mưa” theo lượng khách hàng. Những LĐ này hoàn toàn không có BHXH, BHYT, BHTN...
Phó GĐ Sở LĐTBXH TP.Đà Nẵng - ông Nguyễn Văn An - cho biết, 100% cơ sở sửa xe máy đều có hình thức sử dụng LĐ dạng hợp đồng miệng. Không những thế, hầu hết các cơ sở đào tạo dạng truyền nghề như mộc, gò, hàn, thợ sắt, thợ xây dựng, chăm sóc sắc đẹp... hiện nay đều có hình thức tự thỏa thuận như vậy. Ngoài ra, các phân xưởng sản xuất hộ gia đình, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô nhỏ, thường chỉ sử dụng LĐ dạng hợp đồng miệng...
Chưa có thống kê nào về số lượng LĐ thuộc diện “hợp đồng miệng”, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm dân sự, nhưng theo ông An ước khoảng 20% dân số, nghĩa là có trên 200.000 LĐ dạng này tại Đà Nẵng.
Ông Trương Ngọc Hùng - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ TP.Đà Nẵng - cho biết: “Chúng tôi thường có mặt cùng với thanh tra Sở LĐTBXH khi có tin báo tai nạn LĐ xảy ra, nhưng đối tượng LĐ không có hợp đồng, không thuộc một DN cụ thể thì không thể can thiệp, giải quyết được theo Luật LĐ, CĐ”.
Ông Nguyễn Văn An thì cho rằng, đối tượng LĐ này hiện chưa có bất cứ chính sách nào về việc quản lý, bảo vệ họ ngoài việc... quản lý cư trú của CA phường. Việc không trang bị bảo hộ LĐ, ép giờ làm việc, môi trường không đảm bảo, o ép tiền lương, giờ làm thêm là phổ biến, nhưng NLĐ chỉ im lặng chịu đựng, rất hiếm trường hợp kiện ra tòa dân sự. Đây là lỗ hổng về quản lý xã hội ở lĩnh vực LĐ việc làm hiện nay tại các đô thị.
Theo LĐ