Congvien_it
Moderator
UBND thành phố làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về việc di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng và Cảng Sông Hàn
Ngày 14-6, UBND thành phố Đà Nẵng do Chủ tịch Văn Hữu Chiến chủ trì, đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ Trưởng Nguyễn Văn Công dẫn đầu và các đơn vị liên quan về việc di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng và Cảng Sông Hàn.
Hơn 3 năm vẫn chưa bàn giao mặt bằng
Ngày 14-6, UBND thành phố Đà Nẵng do Chủ tịch Văn Hữu Chiến chủ trì, đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ Trưởng Nguyễn Văn Công dẫn đầu và các đơn vị liên quan về việc di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng và Cảng Sông Hàn.
Công ty TNHH MTV Đóng tàu Đà Nẵng được thành phố giao đất cho thuê từ năm 2003 để xây dựng Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam-Vinashin), nhưng trong quá trình triển khai xây dựng, chủ đầu tư đã tự ý san lấp trái phép lấn ra ngoài ranh giới được thuê. Bên cạnh đó, do yêu cầu quy hoạch của thành phố, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn số 6981/UBND-QLĐTh ngày 26/10/2009 và công văn số 7769/UBND-QLĐTh ngày 27/11/2009 đồng ý chủ trương cho Công ty Cổ phần Đầu tư Đô thị Vịnh Thuận Phước (gọi tắt là Công ty Thuận Phước, liên doanh Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng và Công ty Cổ phần đầu tư Vinashin Thành Đạt thành lập) được nhận quyền sử dụng đất khu vực phía Bắc vịnh Mân Quang để đầu tư dự án khu đô thị, thương mại và dịch vụ với quy mô khoảng 92ha (bao gồm cả diện tích của Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng thuê 32ha đã chuyển đổi mục đích).
Tuy nhiên, hơn 3 năm kể từ khi có quyết định thu hồi đất, giao Công ty quản lí và khai thác đất Đà Nẵng quản lí để lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Thuận Phước, Công ty này cũng đã hoàn thành các khoản chi 242 tỷ đồng để nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước, thêm 272 tỷ tiền giải tỏa đền bù di dời Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng nhưng Vinashin vẫn không chịu bàn giao mặt bằng.
Đáng lưu ý, ngày 21/12/2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam thực hiện việc di dời Nhà máy đóng tàu bàn giao mặt bằng cho Công ty Thuận Phước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng đều đã có các văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm túc vấn đề này, nhưng đến nay Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng vẫn chây ỳ giữa đám cỏ dại.
Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng chỉ còn lại đống sắt vụn nhưng vẫn không giao mặt bằng
cho Công ty CPĐTĐT Vịnh Thuận Phước.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Công ty Cổ phần Đầu tư Đô thị Vịnh Thuận Phước bức xúc: “đã hơn 3 năm , gần 500 tỷ đồng của doanh nghiệp cộng với lãi suất vay của ngân hàng, khiến Công ty nằm bên bờ vực phá sản. Không chỉ vậy, việc chậm trễ bàn giao mặt bằng khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh vào thời điểm sôi động nhất của thị trường bất động sản. Bây giờ chúng tôi có nhận được mặt bằng, triển khai dự án thì việc bán đất để thu hồi vốn cũng rất khó khăn chứ chưa nói đến chuyện có lãi”.
Phát biểu tại buổi họp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng Nguyễn Điểu cho biết, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều văn bản đề nghị Vinashin di dời nhà máy, tạo điều kiện cho nhà đầu tư Thuận Phước sớm triển khai dự án nhưng vẫn không có sự phản hồi tích cực nào từ đơn vị này. Đây là một việc chưa bao giờ xảy ra từ trước đến nay. Do vậy, ngày 9/5/2013, UBND thành phố đã có “tối hậu thư” yêu cầu Công ty TNHH MTV Đóng tàu Đà Nẵng hoàn thành công tác di dời, giải phóng và bàn giao mặt bằng trước ngày 30/5, sau thời gian đó thành phố sẽ tiến hành cưỡng chế.
Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đề nghị Bộ Giao thông vận tải quyết liệt chỉ đạo Vinashin sớm tiến hành bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư Thuận Phước. Đây không chỉ là giải quyết bức xúc của doanh nghiệp mà còn là bức xúc của cử tri thành phố về việc dự án chậm triển khai nhiều năm nay tại một trong những khu vực có địa thế đẹp nhất trên địa bàn thành phố.
Ngay tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải thống nhất và yêu cầu Vinashin khẩn trương bàn giao mặt bằng khu vực Nhà máy đóng tàu cho Công ty Thuận Phước trước ngày 30/6/2013. Riêng đối với các tài sản còn nằm trong vùng dự án, Vinashin cho khoanh vùng, rào chắn và giao Công ty Thuận Phước bảo vệ giúp trong khi chờ làm thủ tục kiểm kê, đánh giá và di dời. Chậm nhất đến hết năm 2013 sẽ hoàn thành việc bàn giao toàn bộ diện tích cho nhà đầu tư Thuận Phước.
Tiếp tục gia hạn cho Cảng Sông Hàn
Về việc di dời cảng Sông Hàn, ông Nguyễn Thu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng cho biết, tuy đã rất khẩn trương trong việc triển khai dự án cảng Sơn Trà để di dời cảng Sông Hàn nhưng tiến độ vẫn rất chậm, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn. Dự kiến đến tháng 9/2014, cảng Sơn Trà mới hoàn thành giai đoạn 1, bên cạnh đó việc nạo vét luồng lạch cho tàu hàng có trọng tải lớn vào cảng cũng mất nhiều thời gian và kinh phí. Do vậy, Cảng Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố cho phép cảng Sông Hàn tiếp tục hoạt động, bàn giao mặt bằng vào tháng 9/2014 thay vì 31/12/2013 như đã cam kết.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, Cảng Đà Nẵng đã không thật sự tích cực trong việc triển khai dự án: “Chúng ta thống nhất với nhau là thực hiện di dời cảng Sông Hàn. Các loại tàu vào cảng này chỉ khoảng 3000 tấn nên luồng lạch cho loại tàu này vào đến cảng Sơn Trà vẫn bảo đảm được. Riêng cầu tàu với chiều dài khoảng 200m (giai đoạn 1) nếu nỗ lực hết sức mình thì sẽ hoàn thành trong vòng một vài tháng, do vậy không thống nhất việc gia hạn đến tháng 9/2014”
Thống nhất quan điểm trên, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đề nghị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Cảng Đà Nẵng tích cực triển khai dự án cảng Sơn Trà để đưa vào sử dụng, bàn giao cảng Đà Nẵng đúng tiến độ. “Thành phố Đà Nẵng cũng đã hết sức cân nhắc giữa việc gián đoạn hoạt động vận chuyển của 1 triệu tấn hàng thông qua cảng Sông Hàn và việc thực hiện các dự án phát triển khác của thành phố. Tuy nhiên, với mục tiêu hướng đến xây dựng thành phố môi trường, phát triển bền vững, việc di dời cảng Sông Hàn cũng đã được HĐND thành phố Đà Nẵng thông qua và UBND thành phố tổ chức thực hiện các thủ tục liên quan từ năm 2007, do vậy không thể kéo dài thời gian giao trả mặt bằng cảng Sông Hàn” - Chủ tịch Văn Hữu Chiến nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Bộ Giao thông vận tải và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines rất ủng hộ việc di dời cảng Sông Hàn để Đà Nẵng triển khai các dự án phát triển du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế suy thoái, việc xin vốn từ Chính phủ để đầu tư cảng biển rất khó khăn. Bên cạnh đó, với những khoản nợ rất lớn, Vinalines không thể tiếp cận với bất cứ nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, do vậy, việc huy động kinh phí để triển khai nhanh cảng Sơn Trà là hết sức khó khăn. Thứ trưởng đề nghị UBND thành phố tiếp tục gia hạn để Cảng Sông Hàn tiếp tục được hoạt động, bảo đảm nguồn thu cũng như giữ được các hợp đồng với khách hàng, đồng thời triển khai xây dựng xong giai đoạn 1 cảng Sơn Trà và đưa vào sử dụng”.
Chia sẻ với khó khăn của Công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng, Chủ tịch UBDN thành phố Văn Hữu Chiến thống nhất gia hạn đến ngày 30/6/2014 Công ty phải bàn giao mặt bằng cảng Sông Hàn cho thành phố. UBND thành phố cũng đã thống nhất đền bù, hỗ trợ liên quan đến việc di dời cảng Sông Hàn hơn 200 tỷ đồng, trong đó hơn 94 tỷ đền bù vật kiến trúc, hỗ trợ ngừng việc cho người lao động, hỗ trợ ngừng sản xuất và hơn 106 tỷ đồng thực hiện nạo vét vùng nước, di chuyển phao neo, phao báo hiệu… Đồng thời, Chủ tịch Văn Hữu Chiến cũng đề nghị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Cảng Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của thành phố, báo cáo thêm về tiến độ đầu tư cảng Sơn Trà cũng như các khó khăn, vướng mắc để UBND thành phố kịp thời hỗ trợ, xử lý, đẩy nhanh tiến độ của dự án.
NGỌC THỦY