Tập thơ Mai Hiên - Nữ tướng của thơ đường Thái Thanh Nguyên tuyển chọn

bachsa

Moderator
mh1.jpg



Thanh Trắc Nguyễn Văn mới nhận được tuyển tập thơ Đường nhiều tác giả có tựa là Mai Hiên 2 của nhà thơ nữ Thái Thanh Nguyên,một "nữ tướng" của thơ Đường thân tặng.

Xin được trân trọng giới thiệu với các bạn đọc và các bạn thơ xa gần


mh2.jpg
Tập thơ có gần 200 bài thơ Đường của 108 tác giả trong và ngoài nước
Người tuyển chọn : Thái Thanh Nguyên
Nhà xuất bản Thanh Niên 2007

GIAO TỪ

Từ thơ Đường cổ
Chắp cánh vơi đầy đến Mai hiên 2
Thơ Đường luật! Một nền thơ muôn đời, thăm thẳm tinh thần phương Đông. Nếu Văn Học Cổ truyền lại lời Đức Khổng nói về chữ “Nhân” hồn nhiên như hóa công, Mạnh Tử bàn “Nghĩa” chơm chởm như núi đá. Tuân Tử nói “Lễ” thật đường bệ, Mặc Tử giải “Ái” thật rộng rãi, ngôn luận Án Tử thật uyên áo khiến người đời dễ đường tỉnh ngộ. Đến nói đạo đức như Lão Tử, bàn khoáng đạt như Trang Tử, vô thượng thậm thâm như lời Đức Phật… tất cả những triết thuyết biến hóa như rồng, phấp phới như mây thì thơ Đường đã ảnh hưởng từ đấy - rất hàm súc, với lối tư duy nghệ thuật thanh thoát Lão Trang, Thiền Phật, nhè nhẹ mực thước Nho nên tài tình bay bổng. Từ cái vỏ, bóc tới cái nhân. Bỏ qua cái vật, bắt lấy cái thần. Như không mà lại có. Khoảnh khắc mà vĩnh viễn. Gang tấc mà muôn trùng… Tinh túy giọt sương mà bao la vũ trụ.

Với một nội dung và nghệ thuật trác việt như vậy cũng đủ đánh dấu thời đại hoàng kim của nền thơ ca Trung Quốc và làm cho thơ Đường cùng với Kinh thi, Sở từ, Tống từ được liệt vào hàng thơ ca ưu tú nhất của nhân loại. Thơ Đường với phong cách cao vời như vậy, thử hỏi nền thơ ca nào có thể sánh tới?

Nhưng, nếu những vấn đế cao sâu ấy ẩn tàng và tồn tại lâu dài với đời sống, sao chỉ dành riêng cho thơ Đường Trung Quốc ? Trong khi Việt Nam ta từ cổ chí kim đâu thiếu những bậc tài nhân có những áng thơ văn tuyệt tác lưu truyền hậu thế để chúng có thể tự đứng vững trên nền thơ Đường luật của chính nước mình? Tôi rất tâm đắc với Phạm Hầu: “Người ta tưởng rằng bây giờ không có một bài thơ nào hay hơn thơ Đường cả hay không có bức tranh nào đẹp hơn những bức tranh ở Londres. Người ta quên rằng chim Hạc đã nhường chỗ cho phi cơ. Tôi trách những con mắt cứ quay mặt lại những cảnh cũ mà không hề tin tưởng ở tương lai. Đừng nhầm lẫn nghệ thuật với khoa khảo cổ! Kính trọng người trước đã mở đường cho ta, nhưng không phải đến cái bước cuối cùng của họ, ta không bước thêm bước nào nữa cả”.

Đó là một ý tưởng lớn rất đáng trân trọng, có thể làm chúng ta thay đổi cách nhìn. Thật ra, tuy chia làm cổ kim, nhưng chẳng qua cũng chỉ là buổi sáng, buổi chiều trong một ngày của trời đất; kẻ sĩ mà câu nệ chấp nhất biết cổ không muốn biết kim, hay chỉ hướng kim mà không quay nhìn cổ thì sao có những áng thơ văn nối suốt kim cổ? Thế thì, từ “bước cuối cùng của cổ nhân” ở lĩnh vực thơ Đường, “bước nối tiếp” của các thi nhân đương đại như thế nào, thì những năm gần đây một số tác phẩm của các thi nhân Việt Nam đã phần nào thể hiện.

Trên tay tôi là hơn 300 bài thơ Đường luật của 106 tác giả trong tuyển tập Mai Hiên 1 mà tôi vinh hạnh được viết lời cảm nhận. Tuy nhiên, vì học sơ hiểu cạn, và vì phạm vi bài viết, tôi không thể kết tinh, thăng hoa hết những cảm xúc của tôi về những bài thơ này nhưng cũng xin mạo muội viết ra những lời hạn hẹp rằng: Nếu mỗi bài thơ hay là một bông hoa, thì, với 300 bài này đã quá đủ tạo thành một vườn hoa ý tưởng muôn vàn hương sắc. Còn hoặc, nếu chúng ta kết hợp “phong thủy” cho vườn hoa thơ này thì, thưa các bạn, tất cả từ chúng đã tạo nên những “chất” rất tuyệt vời… Biểu hiện như:
Dấu xưa sau là chất thủy:

Dấu cũ trôi xa dòng mộng tưởng
Ngàn xưa lưu chút nợ nhân gian
(Lê Phương Châu)
Chén xuân bên sóng Hoài Giang là chất thổ:
Tình thi khai bút mừng tri kỷ
Phổ cổ hoa đăng chiếu rạng ngời
(Kim An)

Cánh vơi đầy là chất hỏa:

Hồ hải còn nguyên sau đảnh ngộ
Ngã nhân lạc mất giữa lưu đày
(Thái Thanh Nguyên)

Thu Quê là chất mộc:

Trở bước bâng khuâng miền cát biển
Bàng hoàng sống lại khúc thiên thu
(Trần Quang Châu)

Giọt nước uyên nguyên là chất kim:
Gối hạc chờ người lay giấc đá
Khe mây đợi nước gợi tâm đồng…
(Phan Thành Minh)
Thì, tất cả chúng đã vừa tạo nên một ngũ hành tương sinh về tư tưởng, lại vừa tạo nên một ngũ hành tương khắc về biểu hiện. Hà đồ lạc thư nơi vườn hoa thơ của họ nở rộ cả một bầu trời sáng tạo.

Và, trong vườn hoa thơ này, tôi không có ý chọn một hoa khôi, vì trong thế giới tâm hồn của mỗi người không có sự so sánh hay - dở, đẹp - xấu mà chỉ có sự đồng cảm hay không. Từ đấy, tôi đã chọn cho mình được một bông hoa thơ hợp nhất để có thể cắm vào chiếc bình lòng mình: Cánh vơi đầy của Thái Thanh Nguyên.

Mỏi cánh? xưa rồi! vẫn cứ bay
Âu tim chưa rã mộng vơi đầy?
Những thương cộng nghiệp chia cân gió
Chút lụy luân hồi tiếp phiến mây
Hồ hải còn nguyên sau đảnh ngộ
Ngã nhân lạc mất giữa lưu đày
Vời theo cổ tích tày gang tấc
Cát bụi vỡ òa thỏa giấc say.
Bước tiếp sang Mai hiên 2, vẫn với hơn 300 bài thơ Đường luật của 108 tác giả còn nhiều điều đáng kể hơn những gì tôi đã nói ở Mai hiên 1. Thiết nghĩ, cảm nhận này xin nhường cho bạn đọc bốn phương.


Gia Định, Xuân 2007


Vũ Thuỵ Đăng Lan



Vài dòng cảm nhận về Mai hiên thi tập

Thơ Đường luật một thể thơ độc đáo đáng được trân trọng và bảo tồn trong kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Nhưng rất tiếc, giới bút trẻ nay có một số đã xem nhẹ thể thơ này. Tuy nhiên, nhờ số đông người tuổi “thất thập cổ lai hy” chúng ta và vài cây bút trẻ tiến bộ vẫn đam mê yêu quý thể thơ Đường như: ngoài Bắc có nhà thơ Hoài Yên đã trỗi dậy với 6 tuyển tập Đường luật dày 4.500 trang gồm hàng ngàn tác giả Bắc - Trung - Nam và một số Việt kiều ở nước ngoài. Trong Nam gần đây có Thái Thanh Nguyên đã khởi xướng Bạch Mai Thi Đàn trên toàn quốc, cho ra mắt 2 bộ thi tuyển “Tứ Phương”, “Mai Hiên” hầu phát huy những nét mới cho các thể thơ cổ, khẳng định thơ Đường đã có chỗ đứng trên thi đàn qua con mắt của các nhà thơ và độc giả yêu thơ trong cả nước.

Qua đọc các bài của Thái Thanh Nguyên và sự tuyển chọn của chị, là một nhà thơ rất trẻ mà giọng, ý, khí thơ thì già dặn ít ai ngờ. Nhìn đời bằng con mắt thơ tinh tế và từng trải, nên các câu tứ trong tầm ngắm của chị rất cách tân và kỳ mỹ. Ví dụ :

Gió mưa chan chứa bao niềm cảm
Mây nước tư lương mấy độ đời
(Thu trăng - Kha Anh)
Thổn thức tơ vàng ngân trúc biếc
Băn khoăn vọng tưởng cánh chim Bằng
(Nửa vầng trăng - Ngọc Ánh)

Cá quẫy lan xa lời nguyện cũ
Chuông om xô dậy khối đêm mù
(Nguyệt chớm thu - Hoàng Anh Đỗ)

Ô hô sinh tử như làn chớp
Hà huống… phù dung… phải vội tàn
(Ai hữu - Bảo Hồ)

Những nấp bóng Từ không vẹn thoát
Toan về bến Giác có toàn siêu ?
(Vọng Kiều - Bình Nguyên)

Tập ngón xuân thu tay vẫn vụng
Luyện lời năm tháng giọng chưa muồi
(Tình thiên thu - Thái Thanh Nguyên)

Một túi văn chương một cái eo
Cùng là đầy tớ cậu thơ nghèo
(Đôi bạn đày tớ - Thái Thanh Nguyên)

Biết mong khắc khoải ngày tương diện ?
Hay tưởng xa xôi buổi biệt hài?
(Thơ nhớ - Triệu Nguyên Phong)

Cõi thế sao nhiều mong ước quá
Non tiên vẫn lắm nhớ nhung chăng !
(Hỏi chị Hằng - Nguyễn Thy Tần)

Trăng dội hay mang hồn lữ thứ
Mà lòng thuyền khẳm sóng vô biên
(Thuyền quang - Nguyễn Hoàng Thi)
v.v…
Và mới đây trong tập “Mai hiên I” có bài Xin khoảnh tim thơ – Thái Thanh Nguyên trăn trở về nhân tình thế thái rất súc tích, khiến độc giả phải đọc đi đọc lại mà tự suy ngẫm cho cái sự đời thời nay và xưa cũng đâu khác mấy.

Em thai con, hẹn ngày giao tặng
Ta cõng chúng chơi cõi xoáy bồi
Thế mới hay để bổ khuyết cái thừa cái thiếu, rất cần tình người thiết tha, tâm hồn liêm chính may ra tồn tại và tích cực trong vòng xoáy hư vinh cuộc đời.


Tân xuân, 2. 2006
Hoài Phương
 

bachsa

Moderator
Một số bài luận về các tác phẩm của Bạch Mai Thi Đàn

Mai Hiên

Có tiếng cười vui có tiếng buồn
Những nguồn xanh biếc mãi reo tuôn
Tình yêu trầm nén vần thơ mỏng
Cảm xúc trào dâng điệu hát cuồng
Ẩn hiện trời mây ranh giới ảo
Trong ngoài giấy mực ước mơ suôn
Mai trần một cội âm thầm tỏa
Hiên tịnh chiều xuân văng vẳng chuông…

Kỳ Đồng 2005
Thanh Nguyên (Lê Thanh Nguyên)


Tuyển tập Mai Hiên 1 - dòng xanh Đường luật với 106 nhánh hợp lưu

Có lần, một thi sĩ lão thành khả kính đã nói với tôi: “Thơ Đường luật của Trung Hoa và của Việt Nam ta đều rất quý, thời đại nào cũng có những bài hay, nhưng khi in một tập hàng trăm bài toàn một thể thơ ấy thì người đọc dễ chán vì đọc đi, đọc lại chỉ thấy một khuôn, một cách, một nhạc điệu…”
Vị thi sĩ này qua đời đã hơn ba thập niên. Ông đã trước tác nhiều đầu sách thuộc các thể loại văn học. Thế nhưng, cho đến cuối đời, ông vẫn không in một tập thơ Đường luật nào của riêng mình mặc dù theo chỗ tôi được biết, ông có không dưới ba trăm bài thơ Đường luật bên cạnh cả ngàn bài thơ mới.
Mấy chục năm qua, vừa sáng tác vừa nghiên cứu văn học, tôi nghiệm ra điều nhận xét của cố thi sĩ nói trên vẫn đúng, nhưng chỉ đúng với một số trường hợp một tập thơ Đường luật của một tác giả. Trong tập thơ như thế, thông thường tác giả chỉ sử dụng một luồng tứ và một thể thơ. Một tập thơ như vậy cũng giống như một album nhạc, có nhiều bài nhưng trước sau chỉ có một bản nhạc được thay nhiều lời cho mỗi bài.
Vào một ngày của tháng cuối năm 2005, nhà thơ Thái Thanh Nguyên - chủ xướng Bạch mai thi đàn - đưa cho tôi bản thảo tập thơ Đường luật Mai Hiên với đề nghị: “Anh xem rồi viết cho một bài bình cảm, trong này hầu hết là anh chị em quen thân cả”. Nói thực lòng, tôi cũng ngài ngại vì nhớ ngay đến nhận xét của cố thi sĩ vừa nêu trên. Tôi lật xem qua thì đúng là gặp rất nhiều bằng hữu quen thân và nhiều thi hữu ở các địa phương xa tôi từng biết phương danh nhưng chưa hạnh kiến.
Tuyển tập thơ Mai Hiên quả không phải đơn điệu với một thể thơ Đường luật quen thuộc. Mỗi tác giả có nguồn cảm xúc độc lập, có lối biểu hiện đặc thù, không ít người còn tạo được thi phong, tính cách riêng. Ngoài phần lớn các bài sáng tác, một số tác giả dùng các bài họa với thi hữu; có tác giả phóng túng với âm trắc ở cước cú câu đầu, có những vị sử dụng thể độc thanh, thủ vĩ độc vận, thuận nghịch độc, liên hoàn,… đặc biệt có tác giả chuyển ngữ và thủ bút bài thơ sáng tác của mình sang Hán tự…
Lâu nay, có lắm người cho rằng thể thơ Đường luật cũ quá! Theo thiển ý, với thơ, cũ hay mới chủ yếu không do nơi thể thơ mà do cách nhìn, quan điểm, bút pháp của người làm thơ trước sự vật, có đồng hành với nhịp thở, nhịp đi của thời đại hay không. Và từ “chỗ đứng” ấy, cách biểu hiện, diễn cảm của nhà thơ qua tác phẩm là phù hợp hay bất cập với đương đại. Tùy theo đề tài, nội dung của bài thơ mà tác giả chọn một thể thơ cho thích ứng. Đó là cái quyền rất tự do của mỗi nhà thơ. Tất nhiên, muốn làm được như vậy, nhà thơ phải am hiểu thật nhiều về các thể loại. Khi bài thơ đã đến với độc giả, người ta căn cứ vào ý thơ lời thơ để đánh giá sơ bộ là cũ hay mới.
Cô đọng lại, có thể nói vui rằng phần lớn giá trị của một bài thơ nằm ở nơi hai cái dấu sắc và dấu huyền trên một chữ: “từ - tứ”. Nhiều bài Đường luật trong tuyển tập Mai Hiên khả dĩ đáp ứng tốt cho điều lạm bàn trên đây của tôi vậy.
Nhờ tập hợp được nhiều tác giả từ nhiều địa phương trên cả nước nên đề tài, sự kiện, thi cảnh… của tuyển tập khá phong phú. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo được nét riêng cho Mai Hiên dễ gây được sự đồng cảm nơi nhiều thành phần độc giả và khách yêu thơ, trong đó có người viết bài này.

Gia Định, 12.2005
Tường Linh

Đôi điều về thơ Đường luật trong Mai Hiên thi tập 1

Tiến sĩ Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên) người làng Lai Hạ (thuộc Gia Lương, Bắc Ninh ngày nay), năm 1282 đời vua Trần Nhân Tông đã làm bài “Văn tế cá sấu” bằng chữ Nôm. Ông là người khởi xướng việc vận dụng các thể thơ dân tộc kết hợp với Đường luật để tạo thành thể “thơ mới” của nước ta . Để ghi công đó, các cụ ta gọi đó là Hàn luật. Từ Hàn Thuyên tới Nguyễn Khuyến, Tản Đà, suốt gần bảy trăm năm thơ Nôm, Đường luật Việt Nam đã có một dòng chảy huy hoàng. Sự ra đời của Thơ mới thời 1930 đến 1945 với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… thì dường như chỉ có mỗi Quách Tấn là kiên trì Đường luật với Một Tấm Lòng và Mùa Cổ Điển… Thơ hay đến nỗi Chế Lan Viên phải hạ bút đánh giá: “với Mùa Cổ Điển, Quách Tấn đã giải cho ta một mối lầm ác nghiệt là phân chia bờ cõi thơ bằng hai chữ mới – cũ, chẳng có ý nghĩa gì”
Thơ Đường luật là nguồn thơ phương Đông, cùng với lục bát và song thất lục bát… Đó là vốn cổ dân tộc – ông cha ta đã có cả một ngàn năm buồn vui với nó. Sau mấy chục năm tạm thời thu mình lại, từ ngày sự nghiệp đổi mới của đất nước ta khởi sắc, sự ra đời của các câu lạc bộ thơ địa phương làm thơ Đường luật ở nước ta đang được hôi sinh và bừng phát. ở ngoài Bắc có Hoài Yên, ở trong thành phố Hồ Chí Minh có Thái Thanh Nguyên đã dày công sáng tác, tập hợp, tuyển chọn để cho ra mắt bạn đọc các tuyển tập thơ Đường luật của thi hữu trong mọi miền đất nước.
Sự trở lại gắn bó với thể Đường luật, với những cố gắng tìm tòi, trải nghiệm, đổi mới… ta thấy các thi hữu cũng đã gặt hái được không ít thành tựu – cái tinh hoa nhất là hồn thơ với những ý hay, tứ mới, cảnh đẹp, tình sâu. Mỗi bài thơ là một bức vẽ bằng lời và thanh âm nhạc điệu tạo ra những ma lực của con chữ. Lối thơ cũ nhưng bằng ngôn từ, giọng điệu của thơ mới – “cái tôi cá nhân” với “con mắt thơ” có một cái nhìn thế giới bằng con mắt thời gian độc đáo riêng của từng thi nhân.
Chúng ta hẳn đã thưởng thức những vần thơ đặc sắc trong Mai hiên thi tập:
Cùng đem trăng mộng treo dòng tưởng
Toả sáng thân tâm phút nhiệm màu
(Gợi nhớ - Thông Hữu)
Ca vang mộng đẹp chao sơn hải
Buông lắng tâm không đảo nguyệt hồ
(Dòng đời – Thái Thanh Nguyên)
Sông buồn hiu quạnh chìm mưa bão
Thuyền bỗng ra khơi… để sững sờ
(Thuyền thu ấy – Ngọc Ánh)
Ngày mai mây chẳng về ngang núi
Em hiểu rằng ta bạt gió ngàn
(Dấu xưa sau – Lê Phương Châu)
Bến quê trăng đậu đêm thơm dịu
Gánh cả sao trời đem tưới hoa
(Gánh quê – Nguyễn Thị Việt Nga)
Điện thoại nâng hoài bao nhớ dội
Vòng tay níu mãi khoảnh thương bay
(Thơ nhớ - Triệu Nguyên Phong)
Kìa trông đất khách mờ trong tuyết
Bỗng nhận tình ai rạng dưới đèn
(Mong được – Hà Trung Yên)
Ngàn dặm băng về chốn viễn liêu
Chừng nghe da diết dội lên chiều
(Sơn tự bây giờ - Thái Thanh Nguyên)
Từ đó ngóng trông thuyền bến mộng
Bấy giờ chờ đợi bướm bờ hoang
(Uống trăng – Võ Hoàng Tụ)
Anh linh cao ngự trong đền miếu
Vời vợi non ngàn nỗi tiếc thương
(Vườn cũ Tây Sơn – Huỳnh Quang Vinh)
v.v…
Thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tim, là tiếng lòng của thi nhân đi tìm cái đẹp… Theo lối thơ Đường là ta đã làm “luật” để đưa cái tiếng con tim ấy đi vào vần điệu của lòng ta bằng nét bút đậm đà, lời ca thắm thiết hùng hồn như cuốn cả hồn ta cất cánh để ta tặng dâng người:
Hồn thơ em mãi tươi xuân sắc
Dẫn vó thời gian gõ nhịp nhàng
(Tươi xuân sắc – Sơn Bình)
Cảm ơn Thái Thanh Nguyên với tấm lòng thoáng đạt, với sự thẩm thơ Đường luật có chiều sâu của một thi nhân để chọn ra được các bài thơ hay… Nói như Lê Quý Đôn thì: “thơ hay phải có tình, cảnh, sự - mà tình là người, cảnh là trời đất, sự là hợp nhất của trời, người và đất. Lấy tình tham cảnh, lấy cảnh hội việc, gặp việc thì nói ra lời. như vậy cảnh không hẹn mà đến, tiếng nói không mong mà tự hay. Cứ như thế có thể thành người làm được thơ tao nhã.
Đôi điều bày tỏ… Nguyễn Khôi xin được chia sẽ chút cảm nghĩ với các thi hữu khi đọc Mai Hiên thi tập.

Góc thành nam – Hà Nội, 05.12.05
Nguyễn Khôi

Đợi xuân, đọc Mai Hiên tìm cái mới

Đầu thế kỷ 21, sự trỗi dậy cuồn cuộn của làn sóng thơ Đường luật Việt Nam đã gây khá nhiều cảm xúc vui buồn cho người đọc.
Vui – một thể thơ truyền thống quốc hồn quốc tuý tưởng chừng sẽ bị khép lại bởi những nhu cầu về thị hiếu, những hình thức văn chương lạ lẫm song song với âm nhạc như pop, rap, hiphop… nay bỗng mở ra, tiếp tục đua sắc phô hương.
Buồn – đa số các ấn phẩm thơ Đường luật ra đời hầu chỉ đáp ứng cho việc mở rộng sân chơi, tập hợp kỷ yếu, dàn trải tâm sự… ý tứ cũ kỹ, ngôn từ sáo rỗng… chưa thể hiện rõ rệt một xu hướng phục sinh và phát triển.
Đọc Mai Hiên trong những ngày giao tiết, tôi muốn thử tìm cái cảm giác của người đợi xuân. Trời rét… và những đoá mai tinh khôi đang dần hiển hiện trên trang sách. Xin trích ra đây để chia sẽ với 106 tác giả và bạn đọc những cái mới trong sự cảm nhận của tôi từ Mai Hiên:
Lắng nghe chuột món vênh tai méo
Vọng tưởng chim mồi cụp mắt nheo
(Mẹo ngôn – Hải Lý Anh)
Chạnh ngắm thiên nhiên phô lắm nỗi
Cảm thông bể khổ giữa khung đời
(Trước biển – Ngọc Ánh)
Tới trường chú sĩ vai quàng đỏ
Ra ruộng cô nông cổ dát vàng
(Đèo Ngang bây giờ - Tùng Ảnh)
Vờn mây – lớp lớp câu đằm thắm
Cuộn nước – thiên thiên nét dịu hiền
(Thư pháp – Toàn Diễn)
Thuở trước giận mình sao chậm bước
Bây giờ trách kẻ nỡ nhanh chân
(Cố nhân – Huy Minh)
Đã hay áo bạc còn sương gió
Mới biết tình đen hẫng sắc tài
(Tình thơ – Phan Thành Minh)
Mở bút vần xoay ngôn ngữ hẫng
Cầm lòng khép lại hái liềm theo
(Cầm lòng vậy – Nguyễn Thị Việt Nga)
Em thai con hẹn ngày giao tặng
Ta cõng chúng chơi cõi xoáy bồi
(Xin khoảnh tim thơ – Thái Thanh Nguyên)
Muối xát xót xa ngày khổ tận
Triều dâng dào dạt buổi cam lai
(Biển trần – Nguyễn Tất Quế)
Đục tợ nước khe tung đá chắn
Trong như giọng hạc xé trời bay
(Người đẹp gảy đàn – Trung Sơn)
Ỡm ờ thiên sự văn chương đảo
Nương gió chờ trăng chỉ cái hay!
(Tầm sư – Thanh Tùng)
v.v…
Cảm nhận trên đây ắt không chỉ ở riêng tôi, rất mong Mai Hiên sẽ nhận được nhiều cao kiến khác và đáp lại tình bạn đọc bằng những vần thơ Đường luật hết sức tân kỳ và sâu lắng.

Huế, đông chí 2005
Thích Đồng Thắng

Cảm ơn
Tặng Bạch Mai Thi Đàn

Em có nghìn xuân về đậu tay
Cho nên dòng chữ ngát hương bay
Tài năng chan chứa tâm hồn ấy
Nghệ thuật âm vang đất nước này
Bởi mỗi lời tim tình rộng tỏ
Nên từng trang chữ ý đều hay
Bao lần tôi đọc đều rung cảm
Xin cảm ơn Người kết đóa mai.

Hà Trung Yên
 

bachsa

Moderator
Lời giới thiệu Tứ Phương thi cảo

Lời giới thiệu Tứ Phương thi cảo

Thơ Đường và xướng họa thơ Đường là một nét văn hóa đặc sắc lâu đời của đất nước Trung Hoa và được dân tộc Việt Nam yêu thích. Đó là một hình thức sinh hoạt văn nghệ tinh tế, thanh tao của giới nho học thời xưa. Thơ Đường chủ yếu là phương tiện để thể hiện cái chí của kẻ sĩ. Đồng thời còn là nơi để gửi gắm cái tình, chuyển tải cái sự trong cuộc đời.

Thơ Đường chịu sự ràng buộc của một hệ niêm luật chặt chẽ. Ngày nay các tác giả đã tự mình giải phóng khỏi những lề lối khắt khe đó nhưng vẫn tôn trọng những trật tự căn bản của Đường luật. Tuy nhiên vẫn không ít người lạm dụng sự thông thoáng mà đã tự làm giảm chất “Thơ Đường”, thông thường là làm hỏng tính đối xứng của hai cặp thực – luận và tính nhất quán bài thơ. Nói để thấu lý, song muốn đạt tình thì phải trông chờ sự rộng lượng của người đọc.

Hiện nay thi khách Đường thi khá đông đảo. Khắp nơi đều có những câu lạc bộ thơ, hội thơ, nhóm bút… Nói cho vui là ra đầu ngõ đã gặp nhà thơ. Tác phẩm của họ được gửi đi khắp nơi để mở rộng giao lưu.

Từ đó, việc xướng họa để gieo duyên hàn mặc trở nên phổ biến. Thậm chí các bạn thơ chưa hề biết mặt nhau vẫn nhiệt tình xướng họa. Do không xuất phát từ tình tri kỷ nên đa phần các bài họa đều thuộc dạng nương vận cảm tác, mỗi người thủ một ý. Tuy nhiên vẫn tạo cho nhau một cảm nhận đầm ấm và thú vị bởi cách giải bày tâm tư rất chân tình, bộc bạch. Vì vậy, các bài cảm họa cũng là sáng tác vì nó mang nỗi niềm riêng của người họa. Nhiều bạn thơ đôi khi vẫn tâm đắc với những bài họa kiểu này và sẵn lòng tục họa hoặc tục nương vận cảm tác.

Những vần thơ hàm ý không còn muốn bị ràng buộc bởi cái sự của thế nhân mà lại chứa đầy nhân sự. Tập thơ xướng họa theo luật thơ Đường Tứ Phương đã ra đời xuất phát từ ý nghĩa đó.

Nhà xuất bản Thanh Niên

Khúc giao từ
Sương Bờ Liễu Hạnh

Ngọt ngào nôi ru suối nguồn vi diệu yêu thương, hương quả thị thơm như lòng bà mênh mang cổ tích… Cánh cò lặn lội theo ca dao tảo tần gánh quang kẻo kịt, tình mẹ như sông độ lượng phù sa… Vành môi non cố tròn từng tiếng ê a, từng bước lon ton vấp hoài theo chân cô giáo… Bóng chiều cũng phải nghiêng vì chị ngồi vá áo, quên cả tuổi xuân vì em nhỏ mẹ già… Chiếc lá “diêu bông” ai đi tìm ở mịt mờ xa, nỗi khát khao buộc đá nở hoa cho tình yêu hiển thánh…

Họ là những sông hồ thầm dòng lặng nhánh, chảy qua đời người thăm thẳm lo toan… Họ là hành trình yêu thương của từng kiếp đò ngang, nhận thua thiệt và trao đi hạnh phúc… Họ là những người hát tình ca dẫu đời sâu hố vực, đem bao dung hóa giải những niềm đau…

Họ của bây giờ của nghìn năm trước vạn năm sau, bước vào thi ca thành tượng đài thủy chung nhân hậu…

Xin dong cánh buồm thơ đi về phía ngợi ca giang tấu, phía chân trời vô biên vô tận của quên mình. Ngôn từ luôn bất lực trước ý nghĩa của hy sinh. Và thơ ca cũng sẽ mãi ngô nghê khi gieo vần Sương Bờ Liễu Hạnh…
Nguyễn Liên Châu
 

bachsa

Moderator
Mùa Thương – Môi Trường Đậm Đặc Yêu Thương

Mùa Thương – Môi Trường Đậm Đặc Yêu Thương

Nguyễn Quýnh, thi sĩ cổ điển từng viết “… Tâm người ta như chiêng như trống, hứng như chày và dùi - hai thứ đó, gõ đánh vào chuông trống khiến chúng phát ra tiếng; hứng đến khiến người ta bật ra thơ - cũng tương đương như vậy”. Hiển nhiên thơ có sức sống linh diệu! Thơ là món ăn tinh thần mà thực đơn nghệ thuật thời đại nào, thế hệ nào, chính kiến nào cũng không thể thiếu…

Trước mắt tôi là một tiểu đội làm thơ, có mặt trong Khúc Xạ Mùa Thương, nhưng tiểu đội này không phải là một đơn vị, một khối đồng nhất để chiếm lĩnh một mục tiêu. Đấy là một tá loài hoa trong một lẵng hoa hay một chục loại trái ngọt trong cùng khu vườn. Trịnh Bửu Hoài nói một nỗi niềm chung :

Nào biết xuân về hoa có nở
Cá nướng trui rượu đế chẳng lưng bầu
Ai nói cuộc đời là quán trọ
Bạn làm người khách tận nghìn sau
(Nhớ bạn)

Rất mong mỗi bạn đọc là người khách quý như thế !

Tâm hồn người làm thơ nhạy cảm như mặt trống, nhưng tùy độ mỏng dày, độ căng của da mà âm vang xa gần chìm nổi sẽ khác nhau. Thái Thanh Nguyên có những câu thơ bứt phá, như để mở đầu cho bài thơ bảy chữ tám câu:

Rót ngày tôi vào đêm trắng em
(Đêm trắng em)

hay ở một bài sáu tám :
Thương tâm tiễn
Bắn từ cung em
Rứt ra định bẻ
Bỗng mềm như tơ
(Thương tâm tiễn)

Những câu thơ như trên đã làm rõ vai trò của lời, chữ thơ. Chữ - không chỉ là phương tiện của xúc cảm mà chính là yếu tính của thơ; vì nếu viết không khéo, chữ chỉ là những câu nói giao tiếp có vần hoặc không vần mà thôi…

Thơ hay được viết ra từ nỗi ám ảnh không rời (ký ức). Trần Hữu Dũng nói về sông nước Nam bộ :

Bóng con chim én lướt qua
Làm chao nghiêng dòng sông Tiền
(Trở về)

và nâng lên:
Mùa mưa đan kín
Những mối chân tình trắng lấp lóa qua làn nước xối
Và tiếng sấm
Nhắc nhở tiếng gầm thần linh thời mở đất
(Một ngày trên sông)

Cùng một nội tâm, mà hai phong cách khác nhau. Trần Ngọc Hưởng sử dụng vần điệu truyền thống:

Mướt rượt làn hơi bay vút lên
Vòm trời gió lộng rộng vô biên
Một thời mở cõi còn lưu dấu
Nhịp mái chèo khua sóng vỗ thuyền
(Vọng cổ)

Cũng trong bài trên, có câu thơ khá ấn tượng :
Chưng cất trong tâm, hồn cố thổ
Quờ tay là đã đụng cung đàn

Điều đó chứng tỏ tâm thức nào cũng có cách diễn đạt thích nghi. Nếu chưa có xúc cảm mới, tư tưởng mới mà vội làm thơ ngoài lằn ranh của ý thức là tự thiêu hủy mình, như tự vượt qua tầng khí quyển mà không chịu ngồi trong tàu vũ trụ. Người làm thơ nên sử dụng lời chữ cẩn trọng như viên phi công. Nếu chữ nghĩa làm dáng không bay đúng hướng, không đáp đúng phi đạo sẽ có tai nạn. Tai nạn trong thơ gây thương tích cho những người làm thơ cùng thời, kể cả những thế hệ sau.

Những câu lục bát của Nguyễn Một giúp thêm một chút ngọt dịu cho tập thơ.

Tay ôm tuổi dại trong lòng
Lặn tìm ốc nhỏ dưới dòng ngây thơ
Bỏ quên ngày tháng trên bờ
Cỏ xanh ôm giữ đến giờ còn đây
(Điều không thể mất)

Người làm thơ nếu không viết về nỗi ám ảnh thì viết về nỗi đam mê như Thạch Thảo :

Chỉ là hai hạt long lanh
Cửa hồn khép mở mà hành hạ tôi
(Đôi mắt)

hoặc:

Thèm ơi ! thèm biết bao lần
Là bờ môi ấy như gần như xa
(Lời đá cuội)

Thạch Thảo đưa người đọc vào nhà vườn tình yêu, chân thật và hiền hòa, không như vài cây bút cùng lứa tuổi viết phá cách bừa bãi để mong nổi danh núp bóng dưới cây dù “đòi nữ quyền” hay “sáng tạo”. Tìm cách bạo động trong thơ là hủy diệt thơ, vì thơ đích thực luôn phản kháng bạo lực. Một nhà thơ từng nói : “Tôi làm thơ vì không tin vào bạo lực”.
Với Nguyễn Vũ Anh, cũng không dám có một hành vi thô thiển :

Làm sao tôi xé được
Một bóng hình đã uống cạn
Tôi giận mưa ngâu !
Mưa ngâu vì đâu ?
(Giận mưa ngâu)

Phía Nguyên Phiên trách cứ nhẹ nhàng hơn :

Mơ hồ tiếng hát liêu trai
Tình theo lá úa vàng phai thuở nào
Bâng khuâng hồn mộng lên cao
Thì ra em đã lạc vào hư không
(Cõi riêng)

Niềm đam mê dễ dẫn đến ảo giác, nên ảo ảnh cũng thường được cách điệu trong thơ

Xin em một mảnh trời xanh
Để tôi khóc với mây thành ước ao
Ngày về soi mặt cầu ao
Em ơi, thơ lạc phương nào hỡi em.
(Lạc)

Đó là tâm trạng của Hà Trung Yên, với cái nhìn bằng tâm thức tác giả liên kết thiên nhiên, tập quán, đồng tình với rung động của mình. Thơ hay, ít lời, mà nhiều ý - ở đây là ý của tâm, không phải là ý của trí.

Cũng là ảo ảnh của thơ, Triệu Nguyên Phong kết hợp vào linh khí để tìm thấy những điều ẩn sau cái hiện hữu :

Những linh hồn chưa sám hối
Năm trên bãi cát cầu dài
Ai đi bao năm tìm lại
Thấy mình tán lá xô cây
(Linh hồn)

Còn Thanh Trắc Nguyễn Văn lại cảm nhận chuyện chúng mình đã thành cổ tích :

Anh đi tìm nhưng chỉ nhặt được mênh mông
Đâu kính trắng đâu nụ cười em lấp lánh ?
Những trái thông xưa giờ chắp từng đôi cánh
Đàn chim bay đưa cổ tích lên trời.
(Ngày về)

Làm thơ trước tiên là cảm nhận; ngược lại cảm nhận thơ cũng thế - mỗi người nghe tiếng chuông, tiếng trống ở mức độ thanh thoát hoặc trầm lắng khác nhau. Thơ không dừng lại ở chỗ mô tả, dàn trải để an ủi hay giải trí. Thơ thế hệ mới còn là thông điệp của nhà thơ. Bài thơ có hàm lượng thông điệp nhiều ít là do nội lực của nhà thơ. Có suy tưởng mới, tâm thức mới sẽ dẫn đến đổi mới diễn đạt bằng bút pháp mới.

Khúc Xạ Mùa Thuơng là tập thơ khá trung thành với vần điệu, với khí hậu hiện thực pha lẫn tượng trưng. Mùa thương phải chăng là một mùa vô hạn có cả tính chất bốn mùa trong năm ? Mọi ánh sáng phải bị khúc xạ khi đi qua một môi trường đậm đặc? Môi trường ấy hẳn là môi trường yêu thương được hoán dụ gọi MÙA THƯƠNG.

Thụ Triết Trang, 17.02.06
Triệu Từ Truyền
 

bachsa

Moderator
Lời cho Mây Ngàn Phuơng

Lời cho Mây Ngàn Phuơng

“Mây ngàn phuơng”

Những áng mây thơ lãng đãng, vần vũ từ phương trời tâm hồn như muốn dồn vào nhau về một phía...

Tôi nguớc nhìn lên để cảm nhậnmột phần mình. Cái phần dành cho thơ có lúc tưởng như không có lúc lại là tất cả. Những nguờibạn ấy cũng thế. Có nguời là tôi còn rất trẻ đôi mươi năm trước, có nguời đang đồng hành và có nguời đã vuợt qua trên...

chúng ta sinh ra vốn đã bay bổng như mây, bằng đôi cánh của thơ chứ không phải của thiên thần nào khác. Và thế giới bay của mỗi đôi cánh có thể hữu hạn đối với nguời nhưng không giới hạn với chính ta. Đó là điều giúp ta tự tin phóng bút để làm nên ngàn phuơng kỳ ảo cho thơ.

Tuyển tập vốn đã là túi quà quý giá. Chọn đuợc một món quà lòng đã vui mừng, thật sự hạnh phúc khi mở ra và bắt gặp món quà như ý. Ở đây là hạnh ngộ giữa những tâm hồn đồng điệu.

với sự thán phục nguời đi miệt mài gom mây - bạn Thái Thanh Nguyên - tôi viết lời bạt này thay cho niềm chia sẻ.
7.2005
Lê Thanh Nguyên
 

bachsa

Moderator
Giao từ cho thi phẩm Thanh Ngọc Phương Trời

Giao từ cho thi phẩm Thanh Ngọc Phương Trời

Tình yêu có một sức biến hoá vô biên cho mọi góc cạnh cuộc đời, cụ thể nó có thể làm cho một ngày một tháng trở thành một thế kỷ. Như Thái Thanh Nguyên nói rằng bạn ấy đã phải cắt cái khoảng “trăm năm” đó ra từng khoảnh khắc nhỏ nữa để hoà tan bớt nỗi đợi chờ vời vợi.


Để cắt đuợc thời gian, có lẽ chỉ có sự kiện. Sự kiện của nguời thi sĩ là ý niệm xuất phát từ cảm xúc và tâm thức. Mỗi ý niệm sáng ngời lên thành những lời thơ đẹp lóng lánh như những vì sao vô định.

Tháng đợi chờ dài như thế kỷ

Em cắt nhỏ trăm năm thành từng khoảnh khắc bâng khuâng

Bằng những lá thư tình óng ánh thủy tinh

Vũ trụ tôi từ dấu cắt

chợt hiển hiện mỗi vì sao vô trú

(Dấu cắt thời gian - Thái Thanh Nguyên)

Thơ Thái thanh Nguyên hàm chứa cả vũ trụ quan, nhân sinh quan nên nó xuyên suốt không gian ba chiều. Thực - hư, không - có, xưa - nay, trói - mở, tận cùng - tột đỉnh... đều thấp thoáng dung thông nhau từng con chữ.

Thơ Nguyễn Hàn Sơn sâu xa mà dung dị, hoa mỹ nhưng chân tình, xét về tính và khí rất khác thơ Thái Thanh Nguyên, nhưng rốt ráo, ở chỗ chân thiện không khác là bao! Vì thế việc họ trở nên những nguời bạn thơ tri âm cũng chẳng phải là lạ.

Tôi không bàn đến cú pháp, nghệ thuật, ngôn từ trong thơ hai bạn vì đó là hiển nhiên. Điều tôi muốn thốt lên tự đáy lòng là sau khi đọc Thanh Ngọc Phuơng Trời, tôi đang tìm cách thoát ra khỏi niềm rung cảm khó nguôi mặc dù biết rằng cứ mặc sức chìm nổi trong phuơng trời đó cũng chẳng hề hấn gì.

Huế, xuân 2006
Sa môn Thích Đồng Thắng
 

Facebook Comment

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Ngày
tulip6193 Tập thơ "Phù Sa Của Gió"-Trần Ngọc Hưởng tuyển chọn 115 bài của 12 tác giả Thơ 0
A Tuyển tập thơ học sinh, sinh viên nào!!! Thơ 0
aiHung Tuyển tập thơ Lý Bạch Kiến thức phổ thông 0
T Bí quyết bài trí bàn học theo phong thủy để giúp con học tập tốt Du lịch - Mua sắm 0
C [Xã hội] Đà Nẵng: Khu tập thể chờ sập Tin tức 24h 0
C [Đà Nẵng] Đà Nẵng có Khu Công nghệ thông tin tập trung số 2. Tin tức 24h 0
C [Xã hội] Tập kích đội tàu cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa Tin tức 24h 1
C [Đà Nẵng] Đà Nẵng xác định tập trung cho công nghệ cao Tin tức 24h 0
C [Xã hội] Vì sao tiểu thương chợ Hòa Cầm kiến nghị tập thể? Tin tức 24h 0
C [Đà Nẵng] Chuyển đổi chủ đầu tư khu CNTT tập trung Đà Nẵng Tin tức 24h 0
W [Thương hiệu] Winwinshop88-bộ sưu tập Móc khóa mèo may mắn QUẢNG CÁO - RAO VẶT 18
W [Sản Phẩm] Winwinshop88-Bộ sưu tập trò chơi viên thuốc QUẢNG CÁO - RAO VẶT 18
W [Sản Phẩm] Quà tặng giáng sinh/quà tặng noel-winwinshop88- Bộ sưu tập Hạt giống trồng cây x QUẢNG CÁO - RAO VẶT 10
BNN [Thương hiệu] Bộ sưu tập font chữ độc đáo cho logo Thiết kế Thương hiệu 0
BNN [Thương hiệu] Bộ sưu tập 25 logo đơn giản mà sáng tạo Thiết kế Thương hiệu 0
BNN [Thương hiệu] Bộ sưu tập Namecard sáng tạo với công nghệ ép nhũ Thiết kế Thương hiệu 0
BNN [Thương hiệu] Bộ sưu tập 30 logo chữ viết tay ấn tượng Thiết kế Thương hiệu 0
W [Thương hiệu] Quà tặng giáng sinh/quà tặng noel-winwinshop88-Bộ sưu tập nến đèn cầy thật độc đ QUẢNG CÁO - RAO VẶT 10
BNN [Thương hiệu] Xây dựng thương hiệu tập đoàn [Infographic] Tổng quát thương hiệu 0
BNN [Giáo dục] Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư cho giáo dục Tin tức 24h 0
W [Thương hiệu] Winwinshop-bộ sưu tập hộp dựng đồ tiện ích QUẢNG CÁO - RAO VẶT 14
W [Sản Phẩm] Winwinshop-bộ sưu tập cây dù xinh đẹp giành cho các bạn gái QUẢNG CÁO - RAO VẶT 18
W [Sản Phẩm] Winwinshop-bộ sưu tập bình rót kiểu mới trong ngày tết cực shock QUẢNG CÁO - RAO VẶT 16
W [Thương hiệu] Winwinshop-bộ sưu tập dụng cụ thu dây phone xinh xinh QUẢNG CÁO - RAO VẶT 15
Viết Sang [Bài tập Java] Class học sinh kế thừa Class người Java 8
rcp [Miền trung] Diễn tập chữa cháy trong hầm Hải Vân Tin tức 24h 0
O [Dịch Vụ] Nhận làm luận văn, đồ án, báo cáo thực tập, tiểu luận, chuyên đề.... Giáo dục - Việc làm 0
BNN [Tin tức] Đà Nẵng học tập Singapore Dự án Đà Nẵng 1
BNN [Tin tức] Hoàn thành giải phóng mặt bằng khu công nghệ thông tin tập trung trong tháng 9 Dự án Đà Nẵng 0
L [Nhà Đất] Nhà tập thể tầng 3,khép kín, 62m2, 4 phòng. Q.Thanh Xuan QUẢNG CÁO - RAO VẶT 0
kimminhho [Quán ăn] Chả Bà Ngọc - 54 Hà Huy Tập Cà phê - ẩm thực 1
S Kho tài liệu học tập - ngoại ngữ - luận văn miễn phí Kho download 0
tran_kio Làm thế nào để đổi đuôi cho tập tin Hỏi đáp Tin học 4
L UBND TP Đà Nẵng đưa ra trong Hội nghị triển khai kế hoạch diễn tập, ứng phó với NHỊP SỐNG ĐÀ THÀNH 1
T [Sản Phẩm] Phân phối thảm tập thể dục giá ưu đãi giao hàng tận nhà toàn quốc Website - Blog 1
kendyphong Lampard bất ngờ muốn “học tập” Scholes và Ryan Giggs Tin Thể thao 24h 1
BNN [Địa ốc] Tập trung giải phóng mặt bằng các dự án khu sinh thái Hòa Xuân Tin tức 24h 1
K Tập tành chụp mong chỉ giáo thêm cho ý kiên kinh nghiệm Ảnh sáng tác của TV 10
binho243 Mèo tập yoga Hình độc - Vui cười 0
BNN [Xã hội] Đà Nẵng tổng diễn tập chữa cháy tại các TTTM Tin tức 24h 0
H [Nhà Đất] Thuvienluanvan.com Báo cáo thực tập Chuyên ngành Luật học QUẢNG CÁO - RAO VẶT 0
rcp [Đà Nẵng] Thiếu nữ cắn lưỡi vì bị cưỡng bức tập thể Tin tức 24h 0
S Bộ sưu tập trên 200 E-books các loại Kho download 0
M Bài tập ngữ pháp và ôn thi TOEIC Online CLB Tiếng Anh 0
BNN [Sự kiện] Đà Nẵng diễn tập đón sóng thần trong mưa lớn Tin tức 24h 0
H Giúp bài tập pascal cần rất gấp Pascal 6
G TỔNG HỢP CÁC BÀI TẬP C và C++ CƠ BẢN C/C++ 0
BNN [Xã hội] Hoãn diễn tập ứng phó sóng thần tại Đà Nẵng Tin tức 24h 0
BNN [Kinh tế] Du lịch Đà Nẵng tập trung vào hội nghị, hội thảo… Tin tức 24h 0
V Giúp mọi người học tập CLB Tiếng Anh 4

Similar threads

Top