BNN
Hỏa Sơn
Quảng cáo 3D: Khởi đầu một trào lưu
Quảng cáo 3D trước đây chỉ có ở những nước tiên tiến, nhưng nay đã bắt đầu phát triển tại Việt Nam và bước đầu có tín hiệu khả quan. Hình thức 3D chiếu trên sàn được áp dụng rất phổ biến ở nước ngoài, với những nội dung gây ấn tượng mạnh.
Khách sạn Roosevelt ở Los Angeles, Mỹ khoảng 9h tối. Bất chợt, một chiếc ôtô Lexus không biết từ đâu xuất hiện, nhảy lên tường khách sạn và bắt đầu chạy băng băng như trên đường phố. Từng mảng tường đổ vụn dưới bánh xe, thay vào đó là các con đường cao tốc hiện ra nhanh như chớp, đan nhau chào mời chiếc xe lăn bánh. Nhiều người dừng bước đứng xem và trầm trồ.
Một buổi chiều mưa, Trung tâm Thương mại Nowzone (Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP.HCM) nhộn nhịp người ra vào, bán buôn. Rất đông người tụ tập trước một chiếc máy lạ để chơi một loại trò chơi tương tác.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều những mẫu quảng cáo theo công nghệ 3D mà các hãng lớn đang sử dụng.
Mới lạ và thu hút
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Kinh doanh Nowzone cho biết, Trung tâm đã từng áp dụng nhiều hình thức quảng cáo như báo chí, truyền hình, tờ rơi. Tuy nhiên, khi thực hiện quảng cáo 3D tương tác, Trung tâm thu hút được nhiều người quan tâm hơn. “Khách hàng không cảm thấy đó là quảng cáo, họ như đang tham gia một trò chơi. Điều đó khiến thông điệp quảng cáo dễ đi vào tâm trí khách hàng hơn”, ông Trung cho biết.
Ông Robert Trần, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Clickcious, đơn vị triển khai dịch vụ quảng cáo 3D tương tác cho Nowzone, cho biết, chỉ sau 2 ngày triển khai, đã có hơn 10.000 lượt người quan tâm và tham gia trò chơi 3D tại Nowzone.
Quảng cáo 3D có nhiều hình thức khác nhau như trò chơi 3D trên máy, 3D chiếu trên sàn, quảng cáo 3D chiếu lên tường cao ốc. Với trò chơi 3D trên máy, người sử dụng sẽ đứng trước một màn hình có phản chiếu những hành động của họ trên đó. Họ có thể chơi các trò chơi và sẽ thấy một số dòng quảng cáo trên máy.
Hình thức 3D chiếu trên sàn được áp dụng khá phổ biến ở nước ngoài, với những nội dung gây ấn tượng mạnh. Đó có thể là hình ảnh một vực thẳm được chiếu ngay trên lối đi làm bất cứ người đi đường nào cũng phải chùn bước và chú ý, hoặc đơn giản hơn, đó chỉ là tên thương hiệu được làm dưới dạng 3D. Tại Việt Nam, Clickcious đã xây dựng các trò chơi đơn giản như đá bóng, chơi với đàn cá, vườn hoa. Hình ảnh quảng cáo sẽ chuyển động theo từng bước của người xem. Trong mỗi trò chơi, tên thương hiệu được đặt ở một góc một cách khéo léo khiến cho người chơi dễ dàng nhìn thấy.
Quảng cáo 3D chiếu trên tường (Project building) được giới trong ngành đánh giá là hoành tráng và có ấn tượng nhanh nhất đối với người xem. Đây là lựa chọn của những thương hiệu mạnh, các công ty lớn. Hình ảnh 3D được chiếu trên tường những tòa nhà cao tầng, tạo ra những hình ảnh 3D sống động.
“Người Việt Nam hoàn toàn có thể làm ra những quảng cáo 3D project building hoành tráng như những quảng cáo của Lexus. Vấn đề quan trọng là định vị khách hàng như thế nào, mục đích làm quảng cáo ra sao”, ông Phạm Nhật Trường, Giám đốc điều hành Clickcious, cho biết.
Ông Trường cũng cho biết, số lượng khách hàng của Công ty hiện nay đã khá đông, trong đó có các thương hiệu như Unilever, P&G, Abbott, Milo và những công ty quảng cáo hàng đầu như Saatchi & Saatchi.
Cơ hội và thách thức
Quảng cáo 3D có khá nhiều ưu điểm. Hệ thống quản lý 3D sẽ chụp hình lại tất cả khách hàng đã tham gia. Điều này giúp doanh nghiệp có được con số chính xác và biết được mức độ quan tâm của khách hàng đối với mẫu quảng cáo đó.
Quảng cáo 3D còn có một lợi thế khác là tính linh động cao. Chẳng hạn, quảng cáo dầu gội Rejoice gần đây bị khách hàng phản đối do câu trả lời được cho là khiếm nhã của hoa hậu Mai Phương Thúy. Ngay sau đó hãng phải ngừng phát sóng dù đã tốn nhiều tiền cho người đại diện, nhóm quay clip, tiền mua sóng. Nếu là quảng cáo 3D, sau khi chạy 1 ngày, nếu nhận thấy phản hồi không tích cực, doanh nghiệp có thể thay đổi vài chi tiết hoặc hoàn toàn nội dung để tiếp tục chiến dịch của mình.
Tuy nhiên, trở ngại đối với quảng cáo 3D không phải là nhỏ. Dù đã phát triển khá lâu và thông dụng ở một số nước như Mỹ, Anh, Áo, Nga nhưng tại Việt Nam, quảng cáo 3D vẫn còn xa lạ. Doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng công nghệ 3D luôn có chi phí cao nên còn e dè và vẫn lựa chọn các hình thức quảng cáo truyền thống. Trên thực tế, chi phí quảng cáo 3D tại Việt Nam có giá dao động khoảng 5.000-30.000 USD/tháng.
Thêm vào đó, các thiết bị đầu cuối cho công nghệ này cũng có chi phí cao hơn các hình thức quảng cáo thông thường. Xây dựng website 3D tốn kém hơn web thường rất nhiều, tivi 3D cũng đắt gấp nhiều lần so với tivi thường.
Thị trường quảng cáo 3D cũng đang đứng trước một thách thức nữa. Đó là sự cạnh tranh của các đối thủ đến từ Trung Quốc. Một số công ty đã nhắm tới thị trường quảng cáo 3D Việt Nam như RichTech. Các công ty này không có văn phòng đại diện tại Việt Nam mà mới rao vặt, quảng cáo để giới thiệu. Nếu có khách hàng, họ sẽ bay sang Việt Nam thực hiện quảng cáo.
Theo dự báo của Công ty Truyền thông Saga, năm 2011 ngân sách cho quảng cáo của các công ty Việt Nam sẽ tiếp tục tăng từ 9-13% so với năm 2010. Do đó, cơ hội dành cho các nhà khai thác quảng cáo còn khá lớn song vấn đề là họ khai thác cơ hội này như thế nào.
Theo NCĐT