BNN
Hỏa Sơn
Quán cơm 5 ngàn đồng
Nằm lặng lẽ trên một con hẻm nhỏ gần đường Triệu Nữ Vương, quán cơm chay Tâm Chánh khiến nhiều khách bộ hành vô tình ghé qua cảm thấy “lạ” bởi lượng khách đến khá đông, càng lạ hơn khi giữa chủ và khách thân thiết như người nhà...
<table class="image center" align="center" width="500"> <tbody> <tr> <td>

5 ngàn đồng được một bữa no
10 giờ 30, dù các quán bên cạnh đang chuẩn bị thì quán cơm chay Tâm Chánh (đằng sau lô 20-21 đường Triệu Nữ Vương) đã khá đông khách. Không khó để có thể nhận ra những chị, những em bé bán vé số, mua chai bao, mấy cô cậu sinh viên... Đặc biệt, mỗi đĩa cơm chỉ có giá... 5 ngàn đồng, điều khó tin trong thời buổi “bão giá” như hiện nay. Nhìn lướt qua những món ăn được bày biện trong tủ kính, ai cũng thấy... đói bụng. Các món khá phong phú như đậu khuôn kho, đậu cove xào, cà chiên, nụ chuối kho, hoa chuối, dưa môn kho, vả trộn... và tất cả đều làm bằng nguyên liệu là rau, hoa quả nhìn rất hấp dẫn và bắt mắt.
Ngồi cạnh tôi là một phụ nữ bán vé số có nước da đen sạm vì nắng gió là chị Bùi Thị Thể (45 tuổi, ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vừa ăn cơm vừa nói: “Ngày nào mình cũng ăn ở đây vì thức ăn vừa ngon, hợp vệ sinh và đặc biệt là…giá rẻ bất ngờ, chỉ có 5 ngàn đồng. Các chị ở đây phục vụ rất tận tình. Ăn xong mình mua thêm một suất 5 ngàn nữa để dành chiều đi bán về ăn luôn cho tiện”. Chị Thể có hai con đang ăn học ở quê nhà. Hai vợ chồng làm ruộng đầu tắt mặt tối vẫn không đủ ăn, chị đành gạt nỗi nhớ chồng con ra Đà Nẵng gia nhập đội quân bán vé số dạo để kiếm tiền dành dụm gửi về nhà.
Từ khi bước chân ra Đà Nẵng đến nay đã hơn 3 năm cũng là từng ấy thời gian chị trở thành khách “ruột” của quán cơm Tâm Chánh. Người phụ nữ này nhẩm tính, một ngày kiếm được trung bình khoảng 50 ngàn đồng, trừ ăn uống hết khoảng 10 ngàn đồng, còn lại 40 ngàn tích cóp, một tháng được 1,2 triệu đồng để gửi về quê phụ chồng nuôi con ăn học. Còn bạn Phạm Thị Thu Huyền, sinh viên năm 2 của Trường Cao đẳng Kỹ thuật y tế II, cũng thường xuyên đến ăn ở quán thật thà nói: “Hè này em không về mà ở lại làm thêm cho các quán cà-phê kiếm tiền nộp học phí. Ăn cơm 5 ngàn ở đây vừa no, vừa ngon lại đỡ khô khan hơn ăn bánh mì hoặc mì tôm chị ạ. Ăn cơm ở các quán khác thì ít nhất cũng phải 15 - 20 ngàn đồng/đĩa, bọn em không đủ tiền”.
Cho và nhận
Phải vài lần hẹn, chúng tôi mới gặp được bà chủ quán cơm, chị Nguyễn Thị Hường. Mới gặp chị, có lẽ ai cũng thấy mến bởi dáng người đậm đà, khuôn mặt phúc hậu. Ở cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu nhưng với chị Hường, giúp người là lẽ sống, niềm vui. Chị kể rất giản dị về lý do quán cơm Tâm Chánh ra đời: “Một lần, mình vào quán cơm bình dân để ăn, vô tình bắt gặp một chị bán vé số móc hết tiền trong túi ra mà vẫn không đủ trả tiền đĩa cơm. Thế là mình nghĩ làm sao để có một quán ăn từ thiện, giúp người nghèo có được bữa no”.
Nghĩ là làm, bên cạnh số tiền “huy động” từ gia đình, chị kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ và mở quán, địa điểm lấy ngay nhà chị để đỡ tiền thuê. Thấm thoát thế mà quán cũng đã hoạt động được hơn 5 năm nay. Đến giờ, khi không còn nhận được nguồn tài trợ nào nữa, chị Hường vẫn quyết tâm duy trì hoạt động của quán. Thỉnh thoảng, quán cơm Tâm Chánh vẫn đón những vị khách quá độ đường bất chợt vào quán ăn thử và khen ngon. Lúc móc tiền ra trả, họ rất ngạc nhiên, khi biết được cái tâm từ thiện của bà chủ, họ bèn ủng hộ lúc thì 100 - 200 ngàn đồng, có khi đến 500 ngàn đồng. Ngay cả mấy chị bán rau, quả ngoài chợ “quen mặt” cũng ủng hộ nguyên liệu cho quán.
Chị Trương Thị Hoa (62 tuổi) - người nhiều tuổi nhất và cũng gắn bó lâu nhất trong ba người phục vụ ở đây - cho biết: “Trước đây mình nấu ăn cho nhà hàng Đảo Vàng nhưng khi chị Hương gọi về làm ở quán từ thiện là mình đồng ý ngay dù thu nhập chỉ khoảng 1 triệu đồng. Thù lao không nhiều nhưng thấy niềm vui của người lao động nghèo khi có bữa no là hạnh phúc rồi”. Mỗi ngày, quán Tâm Chánh chỉ mở vào buổi trưa và đón khoảng 200-300 thực khách. Số người mua cơm mang về... để dành chiều ăn tiếp cũng khá nhiều khiến quán nhiều khi sạch cơm vì... quá tải.
Chị Hoa bảo, chị em phục vụ luôn cố gắng thay đổi cách nấu để hợp khẩu vị, ý thích của khách. Nhiều lúc, có những em sinh viên ăn một đĩa không no nhưng không dám xin thêm, vậy là các chị liền “khuyến mãi” thêm 1 đĩa nữa. Lại có trường hợp một người mẹ đẩy con bị tật nguyền trên chiếc xe lăn đi bán vé số, khi ghé vào quán, các chị cũng không lấy tiền, còn cho thêm cơm mang về. Và còn rất nhiều, rất nhiều trường hợp khác nữa... Hạnh phúc khi mang đến niềm vui cho người khác thật khó nói hết bằng lời. Chia tay chúng tôi, chị Hường chia sẻ ước muốn có nguồn tài trợ để xây dựng thêm một quán cơm từ thiện nữa, bởi còn rất nhiều người lao động nghèo cần bữa cơm no.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ (ĐNĐT)