BNN
Hỏa Sơn
Lẽ nào chỉ có Đà Nẵng?
Bịt "cửa chạy chức" trong tổ chức Đảng, trong cơ quan công quyền một cách cương quyết là thiết thực phòng chống tham nhũng , thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Đối thoại trực tiếp với gần 4.000 cán bộ, công chức UBND, Sở, ban, ngành, quận, huyện (24-2-2012)..., Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nói: "Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt, chung chi, chỉ cần phấn đấu. Làm cán bộ phải có ý chí và khát vọng, bởi Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng". Đà Nẵng thì vậy, còn các nơi khác thì sao?
Trước đây không lâu, từng có chuyện bí thư tỉnh ủy Cà Mau bị cách chức do nhận tiền liên quan đến chuyện chạy chức! Dư luận lúc đấy đặt câu hỏi,nói theo phương ngữ Miền Tây "lẽ nào chỉ có mình ên Cà Mau mới có chạy chức?".
Có thể liệt kê vô số hành vi CHẠY: chạy chức, chạy quyền, bằng cấp, học vị, học hàm, danh hiệu, chạy bầu cử, chạy dự án, chạy kinh phí, chạy chỗ làm, chạy tuổi, chạy thi, chạy học, chạy để được yên vị, chạy tội. Gần đây do chính sách đối với người nghèo thực hiện đem lại nhiều hiệu quả nên có chuyện nực cười: "chạy nghèo"!... Có cảm giác cuộc sống có nhu cầu gì thì người ta đều CHẠY cả. CHẠY đã trở thành thói quen, tập quán cho nên nhiều việc đương nhiên được hưởng không cần cậy cục người ta vẫn cứ CHẠY!
Có một thực tế CHẠY nhiều nơi nói tới nhưng rất ít bị phát hiện. Trong "mê hồn trận chạy" thì trước tiên nghiêm trị loại chạy gì? Trước tiên nghiêm trị "chạy chức". Như vậy là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã điểm đúng huyệt !
Thử nghĩ, nếu có một kẻ nào đó chạy được vào một vị trí cao, thì lập tức hình thành ở bên dưới những đường dây noi gương, chúng phát triển như một thứ bệnh dịch lây lan rất nhanh. Đến lúc này kẻ trước kia đi chạy lại là người ban phát.
Phải nói rằng, nếu không ngăn chặn được, thì đến một lúc nào đó tự nhiên sẽ hình thành một cơ chế bảo vệ thành quả CHẠY được. Đó là một sự ràng buộc ngầm tự giác theo hệ thống dọc và ngang rất vững chắc, hiệu quả, rất khó phát hiện, mà nếu có phát hiện không dễ gì xử lý được. "Chạy chức" sẽ làm băng hoại bộ máy công quyền, phát sinh nhiều tệ nạn chạy khác.
Dư luận nói vị trí này, vị trí kia do chạy mà có, thế nhưng tại sao ít có ai dám nói công khai với tổ chức? Đó là điều đáng suy nghĩ. Nó nằm ở chỗ chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ cho người nói lên sự thật, quần chúng và cán bộ công chức chưa thật tin sự trong sáng của tổ chức và tổ chức cũng chưa làm tròn trách nhiệm với người tố cáo. Không ít trường hợp tên bắn ra không trúng đích mà quay lại trúng người bắn.
<table class="image center" cellpadding="0" cellspacing="0" align="center" width="400"> <tbody> <tr> <td>

</td> </tr> </tbody> </table>
Muốn xóa bỏ "văn hóa chạy", ta phải có luật lệ thủ tục minh bạch, rõ ràng; phải tạo cho được sự cạnh tranh lành mạnh trong xã hội. Và đặc biệt là cần xóa bỏ độc quyền ở một số ngành. Điều quan trọng nữa là ta phải triệt để xóa bỏ bao cấp. Còn quá nhiều ngành được bao cấp hoặc mang tiếng là xóa bao cấp nhưng chỉ xóa... nửa vời. Chính cái nửa vời mập mờ này đã tạo ra kẽ hở cho các "cò" lợi dụng chạy. Cuối cùng, xin muốn nói đến việc nâng cao đạo đức công chức. Đây không phải chỉ là giải pháp mà là lương tâm trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức. Không nên đổ lỗi cho cơ chế tiền lương mà quên đi trách nhiệm của mình.
Xin nhắc lại một câu nói của Bác Hồ: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". "Chạy" chính là tạo nên sự thiếu công bằng mà Bác Hồ đã từng nhắc nhở chúng ta.
Một trong những giải pháp hữu hiệu gần đây đã được nói đến là thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo.
Gần đây trong Nghị Quyết 30c của Chính phủ "Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020" có quy định ...thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trưởng và tương đương (ở trung ương), giám đốc sở và tương đương (ở địa phương) trở xuống;.
Có lẽ khó khăn lớn nhất còn nhiêu nơi phân vân là qua thi cử cạnh tranh những cá nhân được quy hoạch cấp uỷ hoặc đang là cấp uỷ không trúng tuyển thì sao? Xử lý như thế nào? lỡ ai đó ngoài diện quy hoạch trúng tuyển?...
Phải nhìn nhận rằng, chúng ta đang trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền. Nếu không đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chính quyền không có những thay đổi tích cực về chất trong việc phục vụ nhân dân, không nâng cao chất lượng mọi mặt của đội ngũ cán bộ công chức thì không tránh khỏi đối mặt trước những nguy cơ thách thức không nhỏ.
Dẫu rằng việc đột phá thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo chỉ như viên gạch nhỏ trên con đường làm trong sạch nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nhưng phải bắt đầu từ việc đặt những viên gạch nếu không chẳng có con đường nào thành hình!
Giải pháp có thể dễ chấp nhận nhất là cứ xem các ứng viên dự thi nằm trong diện quy hoạch động, quy hoạch mở của một chức danh nào đó thay vì quy hoạch khép kín hẹp.
Ngoài ra có thể áp dụng bước một là trước sơ tuyển, xét tuyển những người đủ các yếu tố tố chất cần thiết. Mặt khác phải dần dần thay đổi quan niệm về "biên chế", một nguyên nhân đưa đến sức ỳ và trì trệ, thay quan niệm cơ chế "biên chế" bằng cơ chế hợp đồng linh hoạt đối với đội ngũ công chức nói chung kể cả công chức lãnh đạo. Thay đổi việc đánh giá thành tích của cán bộ công chức từ lòng trung thành, ý thức giác ngộ chung chung bằng đánh giá theo kết quả, hiệu quả công việc một cách định lượng...
Vấn đề là biện pháp đã có nhiều, nhưng thái độ cương quyết tuyên chiến thì dường như chưa đủ. Thái độ cương quyết làm trong sạch nội bộ, bịt "cửa CHẠY chức" của mỗi người dù ở bất kỳ ở cấp nào, tổ chức nào, giờ đây là thước đo phẩm chất cách mạng, lòng trung thành với chế độ. Bịt "cửa chạy chức" trong tổ chức Đảng, trong cơ quan công quyền một cách cương quyết là thiết thực phòng chống tham nhũng , thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Diệp Văn Sơn (VNN)