BNN
Hỏa Sơn
Làng trẻ SOS Đà Nẵng có sáu em vào đại học
Năm nay niềm vui của Làng trẻ SOS Đà Nẵng như được nhân lên khi sáu em từng được nhận học bổng SOS năm 2008 đều đỗ Đại học với điểm số cao, trong đó có bốn em đỗ cùng lúc hai trường đại học. Đó là sáu em: Trần Công Dư, Lê Trung Nghĩa, Đoàn Văn Trường, Trần Thái Thịnh, Trần Văn Thơm, Nguyễn Đăng Ri.
Làng trẻ SOS Đà Nẵng với niềm vui lớn trong sự nghiệp trồng người
Sáu em với sáu hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng mang chung một ước mơ. Năm 2008 các em được nhận vào làng trẻ SOS Đà Nẵng trong chương trình học bổng của trường. Vào SOS, các em được tài trợ từ ăn uống, sinh hoạt và được theo học tại trường THPT Herman Gmeiner Đà Nẵng.
Em Trần Văn Thơm (1993, quê ở Bình An, Thăng Bình, Quảng Nam), sinh ra trong một gia đình đặc biệt nghèo của xã. Nhà có bốn anh chị em, mẹ Sơn lại bị ung thư, cả nhà chỉ sống dựa vào hai sào ruộng ít ỏi. Lúc được nhận về làng SOS, em đã nhiều lần muốn về nhà, từ bỏ con đường học tập vì không có ai phụ giúp gia đình. Nhưng được các cô, các chú trong Làng động viên, an ủi và thuyết phục, em mới quyết tâm học tiếp và thi đỗ. Thơm đỗ cùng lúc vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Y dược Huế, em chọn Đại học Y dược Huế vì muốn chữa bệnh cho mẹ.
Cùng với Thơm còn có em Trần Công Dư (Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam) đậu vào Đại học Y dược Huế (với 26,5 điểm) và Đại học Kinh tế Đà Nẵng (23 điểm); Em Lê Trung Nghĩa, đậu vào Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh với 24,5 điểm và Đại học Công nghệ thông tin; Em Đoàn Văn Trường đậu vào Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và Đại học Khoa học Huế.
Sống trong Làng trẻ em SOS, các em đều hòa đồng với tất cả trẻ em trong Làng, xem nhau như anh em ruột thịt, giúp nhau học tập và sinh hoạt. Ngoài giờ học, các em còn tích cực tham gia trồng rau, nuôi heo, cải thiện thêm cho bữa ăn của chính mình.
Em Trần Thái Thịnh (Quế Lộc, Quế Sơn, Quảng Nam), cha mẹ li hôn, em ở với bà ngoại đã ngoài 90, già yếu, chỉ nằm một chỗ vì bị tai biến. Lúc ở với bà, mọi việc trong nhà đều vào tay em, từ chăm sóc bà đến nấu nướng, trồng rau, nuôi gà... nhưng em vẫn là học sinh giỏi trong suốt chín năm học. Được nhận vào làng trẻ SOS là một niềm vui với em và cả gia đình.
'Lúc đầu em cũng chần chừ không muốn đi vì sợ không có người chăm sóc bà, nhưng chính bà là người đã ôm em vào lòng và động viên. Bà nói rằng, cháu phải cố gắng học tập thì mới mong sau này có cuộc sống tốt hơn. Em sẽ gắng học tốt ở trường Đại học để sau này có thể giúp đỡ cho gia đình và các cô chú trong Làng SOS đã nuôi dưỡng em và chăm sóc chúng em' - Thịnh tâm sự.
Hiện nay Thịnh đang chuẩn bị để đến ngày 28 tới sẽ ra làm thủ tục nhập học tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Niềm vui mới đến với các em cũng là thêm một nỗi lo, liệu rằng sáu em có thể vượt qua những khó khăn tiếp theo trong cuộc sống để thực hiện ước mơ của mình khi làng trẻ chỉ có thể giúp đỡ đến lúc các em 18 tuổi.
Ông Huỳnh Bá Trúc, Giám đốc làng SOS nói: “Chúng tôi cũng đang cố gắng để có thể tiếp tục giúp đỡ các em trong những năm học Đại học, tuy không nhiều nhưng cũng là một phần an ủi các em có thêm ý chí vươn lên. Mong các tổ chức, các nhà hảo tâm có thể chung tay giúp các em đi tiếp chặng đường sắp đến”.
TUỆ SA (NDĐT)