BNN
Hỏa Sơn
Làng nghề Quảng Nam hội nhập...
1. Làng trầm mỹ nghệ Trung Phước (xã Quế Trung, Nông Sơn, Quảng Nam) bên kia đèo Le heo hút gió ngày nay được trong và ngoài nước biết đến là bởi nhờ những người dân "dám" mang hàng đi bán ở nhiều nơi, kể cả nước ngoài. Ông Lê Hải Hùng - một trong những chủ xưởng dám "liều" xông xáo mang sản phẩm làng ra thương trường nước ngoài bán, kể lại: "Thấy hàng mình bán qua trung gian các đại lý ở TPHCM, Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh bị ép giá xót dạ. Biết đích đến hàng trầm cảnh của mình là Trung Quốc, Đài Loan, tui lần tìm ra đường đi nước bước để tự mang sang bán. Không thể kể hết khổ nhọc... nhưng mình quyết tâm làm là được thôi".
Còn ông chủ trẻ Thái Phúc thì tìm kiếm thông tin các hội chợ quốc tế Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... trên mạng, bỏ tiền ra thuê người thông dịch rồi cùng nhau đáp tàu xe đến xứ người thuê mặt bằng và chào bán. Rồi từ đó, họ lại lần ra đường đi mới, thêm những mối quan hệ mới, không cần phải đợi đến hội chợ, hễ có hàng là tự mang đi bán cùng với người phiên dịch. Anh nói vui: "Chừ thì tui "ghiền" mang hàng đi bán ở nước ngoài rồi. Chỉ tiếc là mình tìm ra đường chậm quá...".
Trưng bày gốm Thanh Hà.
2. Chị Nguyễn Thị Hậu - một người phụ nữ bình thường, nhỏ nhắn, ở làng gốm Thanh Hà. Hiện nay chị là chủ nhân của một nhà trưng bày gốm rất tuyệt vời làm say lòng du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến tham quan làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam). Tại đây, đất sét qua đôi bàn tay chế tác khéo léo của chị, các sản phẩm gốm ra đời với nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau và đặc biệt là có độ bền riêng biệt. Những chiếc lọ hoa xinh xắn, bình trà, bình rượu, chiếc ấm, bồng binh, những chum, lu, hũ, vại và cả những con vật ngộ nghĩnh lần lượt ra đời, làm du khách ngạc nhiên và thích thú.
Không chỉ nhà chị Hậu, mà cả làng gốm hôm nay nhộn nhịp những bước chân du khách về đây tham quan, tự tay chuốt từng sản phẩm gốm theo sự hướng dẫn tận tình của người làng Thanh Hà. Đó là kỷ niệm đẹp của du khách khi tự mình nhúng tay vào những thỏi đất sét vô hồn tạo nên những kỷ vật đáng nhớ. Dự định của chị Hậu là sắp xếp lại gian trưng bày tại nhà cho "mới hơn, đẹp hơn trong mắt du khách". Chị bảo chị bận nhiều việc, nhiều lời mời từ hội chợ, triển lãm. Dĩ nhiên rồi, chị đã tham gia nhiều với tinh thần tự nguyện...
Những gánh mì Quảng đưa văn hóa ẩm thực Quảng Nam đến với người dân và du khách.
Ông Hùng nói khiêm tốn rằng: "Chúng tôi là những người dân bình thường, nhưng... có khả năng một chút. Nếu có một cách làm tốt hay một lời đề nghị hợp lý, tôi có thể tham gia và đôi khi rất cần phần hỗ trợ của Nhà nước. Tôi nghĩ, lực trong dân mình nhiều lắm, nếu biết cách kéo người ta vào cuộc thì sự vào cuộc ấy sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn...". Từ những hoạt động du lịch nổi bật như Lễ hội "Quảng Nam - Hành trình Di sản", giao lưu văn hóa Việt - Nhật... hay những sự kiện chính trị - văn hóa cấp quốc gia và quốc tế như Liên hoan Hợp xướng quốc tế, Hoa hậu Hoàn vũ... được tổ chức tại Quảng Nam và qua đó đã tạo được dấu ấn quan trọng trong lòng du khách.
Họ không chỉ biết đến Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống văn hóa mà còn là một Quảng Nam năng động, sáng tạo. Có thể thấy, đóng góp vào sự thành công lớn đó có một cách làm huy động sức dân tham gia nhiều hoạt động thường nhật khác nhau để họ tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo như những gánh mì Quảng Phú Chiêm, mẹt tò he, lồng đèn,... Mỗi sản phẩm ấy là kết tinh sự mộc mạc, chân chất và cả sự khéo léo, tài hoa mang lại cho du khách một cách cảm nhận đầy ý niệm về cuộc sống, hình dung rõ nét về công việc tỉ mỉ, cần mẫn của người dân xứ Quảng. Và không chỉ là những sản phẩm có thể nhìn thấy mà còn thấy cách người dân tham gia vào việc "khuếch trương" sản phẩm khi những chiếc lồng đèn được treo khắp phố cổ Hội An, ở tận Hà Nội hay TPHCM, tiếng chuông đồng Phước Kiều ngân xa hay những đồ trang trí gốm Thanh Hà trong nhiều nhà hàng, khách sạn... Xa hơn, sự hiện diện của nó còn ở nhiều hội chợ, triển lãm, trưng bày... ở các nước khu vực và quốc tế.
4. Bước ra khỏi sự ngần ngại, bước ra khỏi sự dè chừng, đó có phải là một cách nghĩ, cách thể hiện mới của người "mang tính cách Quảng". Có thể khẳng định rằng, bằng cách của mình, người dân Quảng đã rất quan tâm, sẵn sàng hội nhập và tự giới thiệu mình. Đó cũng là cách ứng xử có văn hóa với thời cuộc của người Quảng. Có lẽ tính cách người dân xứ Quảng là vậy; năng động trong cái hiền hòa và trầm tĩnh, thư thái và từ tốn! Vấn đề là ở chỗ biết khơi thông dòng chảy đó như thế nào? Có lẽ, một cách nhìn mới, một cách nghĩ mới đâu chỉ bắt đầu là người dân...
Thảo Nguyên (CAĐN)