BNN
Hỏa Sơn
Làng cá lên chung cư
Tôi tự hỏi, cuộc sống dân làng cá sẽ thế nào khi mành, câu, lưới, mủng... được chuyển lên tầng 7. Họ bảo, chúng tôi giờ như cá bơi trên cạn. Sự ví von ấy hẳn không vô nghĩa.
Khoảng 400 hộ dân làng cá Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) mới được chuyển lên chung cư cao 7 tầng. Cuộc sống của họ từ chỗ là dân vạn đò đến nhà chồ rồi nhà liền kề giờ lên chung cư gắn với một quá trình đổi thay lớn lao của Đà Nẵng. Hẳn nhiên có nhiều cái được, cái tiến bộ, song vẫn còn đó những trăn trở, ưu tư.
Cá xa nước
43 tuổi đời nhưng đã có 23 năm đi biển, với ông Trần Hương, biển đã là nhà. Biển rộng mênh mông, ông đi bao xa cũng không ngại. Vậy nhưng, chỉ nghĩ đến quãng đường từ bến thuyền về chung cư, nơi ông mới chuyển tới hơn tháng nay, ông lắc đầu ngao ngán. Ông bảo, mấy đêm mưa vừa qua không chợp mắt được chút nào. Cứ vài chục phút lại chạy ra bến thuyền một lần để tát nước đồng thời cọc, kèo cho chắc. Trước kia ở gần bãi, mưa gió, thuyền ghe có chuyện gì chỉ cần vài bước chân là xử lý kịp. Bây giờ, chạy ra hơn nửa km, có khi chậm một chút thuyền đã chìm. Cùng trăn trở, anh Lê Văn Bốn tâm sự, nhiều lúc đi làm về quá mệt nhưng cứ phải thấp thỏm lo ngoài ghe có an toàn không. Đã lo thì phải chạy ra, đi bộ thì chậm mà đi xe máy lại tốn tiền xăng. Nhà 8 miệng ăn trông chờ cả vào cái ghe ấy, nó trôi hay chìm thì hôm sau chỉ có đói.
Câu chuyện dân chài bị tách xa sông, xa biển vẫn chưa dừng ở đó. Nhiều người bảo, mỗi ngày phải vác ngư cụ lên tầng 6, tầng 7 của chung cư thực sự là cực hình với họ. Ông Hương kể, nhiều bữa đi biển về mệt quá, không đủ sức đi lên tầng 7 chứ đừng nói vác đống ngư cụ mấy tạ lên. Để dưới thì mất mà vác lên thì cực, vợ chồng ông đã nghĩ ra cách thả dây xuống kéo lên. Nhưng rồi vừa kéo lên tầng 3 thì va đập vào nhà người khác, vỡ đồ, đứt dây, ngư cụ rơi tán loạn.
Những người ở tầng 1 lo sợ con trẻ chịu cái tai nạn bất ngờ nên không cho kéo. Thế là lại hì hục vác bộ. Anh Nguyễn Viết Nam, 47 tuổi, thương binh bị mất sức 61%, hiện ở tầng 7 chia sẻ, không ít sáng, nghĩ phải vác đống ngư cụ xuống cực quá mà muốn nghỉ làm. Nhưng nghỉ thì lấy tiền đâu nuôi vợ và 5 con. Vậy là, anh lại gắng sức, hì hục vác ngư cụ cùng với bố vợ, ông Đỗ Xương, 74 tuổi, xuống đất, ra bãi sông để đi rập. "Mỗi ngày cũng kiếm được đôi ba chục, hai bố con chia nhau. Mình thương tật thế này, trước ở nhà liền kề, sát sông còn làm ăn dễ, giờ ở xa quá, ông bố thì già, riêng chuyện vác đồ nghề ra bến sông đã đủ cực"- anh Nam chia sẻ.
<table style="WIDTH: 20px; HEIGHT: 20px" align="center" cellpadding="0" cellspacing="2"> <tbody> <tr> <td>

Cha con ông Đỗ Xương đang vá lưới trên tầng 7.
</td></tr></tbody></table>Nỗi lo nhà cao cửa rộng
Ông Lê Bé (46 tuổi) cho biết, mặc dù đến đây ở nhà cao to, khang trang, không lo bão gió, nhưng kèm theo đó quá nhiều nỗi lo. Không còn gần sông, gần biển, ông bỏ hẳn nghề cá để cùng với các con lớn trong nhà đi làm thuê làm mướn. Nhà 7 miệng ăn nên ai đến tuổi lao động đều phải đi làm thuê, có việc gì làm việc đấy, mùa nắng làm gánh đỡ mùa mưa, ngày làm nhiều bù cho ngày thất nghiệp. Lên chung cư, số người chuyển nghề như ông Bé không nhiều, nhưng nhìn chung thu nhập không ổn định, cuộc sống đa phần vất vả, nhà lại đông.
Thế nên, việc phải nộp 336 ngàn đồng phí các khoản mỗi tháng, theo ông Bé và nhiều hộ dân khác là quá cao. Bà Hà Thị Xẹt, 51 tuổi nói, ở nhà liền kề, tôi còn bán được mấy cái bánh tráng kiếm ít đồng sinh sống, nay lên tầng 6 bán cho ai. Không có việc làm, nuôi thân còn khó, mức thu hơn 300 ngàn đồng/tháng là quá cao. Nhiều hộ dân đề xuất, với những người ở tầng trệt, không nên thu 60 ngàn đồng tiền gửi xe/tháng, bởi vì họ có một chiếc xe, có thể tận dụng đem vào nhà mình để. Với phần đa hộ dân ở đây, số tiền vài trăm ngàn không phải nhỏ.
<table style="WIDTH: 20px; HEIGHT: 20px" align="center" cellpadding="0" cellspacing="2"> <tbody> <tr> <td>

Bà Xẹt bên thang máy luôn đóng cửa, cắt điện.
</td></tr></tbody></table>Nhưng, điều lo lắng lớn nhất với họ, không phải là phí chung cư cao, là mưa dột lênh láng trên tầng 7 không thể nào ở được, là có thang máy nhưng chẳng mở cho dân đi, là bố trí bất hợp lý khi người già, đau bệnh phải ở tầng cao... mà nỗi lo lớn nhất với họ là kế sinh nhai.
Vấn vương, bám trụ nghề cũ thì quá bất cập mà chuyển nghề mới thì bấp bênh, thậm chí thất nghiệp. Tôi đã chứng kiến cảnh không ít hộ, đêm nằm tràn ra cả cửa, ngày thì tụm lại “tám” với nhau vì chẳng có việc gì làm. Đông nhân khẩu, thu nhập thất thường, nỗi lo đói là hiện hữu.
Ông Lê Văn Bốn bảo, cứ từ tháng 8 âm lịch tới tháng 11, mùa mưa bão, ông không đi biển được, nhà lại vay nợ, chạy ăn từng bữa. Không ít hộ chuyển nghề bằng cách mở các quầy tạp hóa nhỏ, nhưng khách trong chung cư quen cả, mười người chịu cả mười, rồi cũng cụt vốn, sập tiệm. Cái lo nhất, cần nhất của những hộ dân ở đây là kế sinh nhai. Chừng nào chưa tìm được hướng mở thì cái an cư nhà cao cửa rộng kia không làm họ bớt lo. Và, họ mong muốn được trở lại làng liền kề, ở gần sông, gần biển...
Với tất cả những gì họ đã trải qua, sự ví von như cá trên cạn hẳn rất có lý.
Hải Hậu (CAĐN)