Loài người thực sự bay được từ bao giờ?
Những mô hình máy bay hàng nghìn năm tuổi, những công trình nghệ thuật rộng lớn chỉ có thể quan sát từ bầu trời, các tài liệu cổ đại về những trận chiến đấu trên không... Liệu tất cả đó có thể coi là bằng chứng về việc những nền văn minh cổ đại đã làm chủ những cỗ máy bay thực sự.
Lịch sử công nhận rằng chỉ đến năm 1780 con người mới chiếm lĩnh được bầu trời bằng loại máy nhẹ hơn không khí qua sự kiện hai người Pháp bay lên trời trên chiếc khinh khí cầu gần Paris. Và mặc dầu về lý thuyết, những thiết bị bay nhẹ hơn không khí có thể được coi là xuất hiện vào thế kỷ 13 và đến thế kỷ 16 Leonardo da Vinci đã thiết kế ra loại máy bay có cánh và mô hình sơ bộ chiếc máy bay lên thẳng. Song chỉ đến tận năm 1903, khi anh em nhà Wright thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên tại bãi biển Kitty Hawk, thì việc bay lượn trên trời bằng động cơ có người lái mới trở thành sự thật.
Dù tất cả những điều đó đã được lịch sử công nhận, một số nhà khoa học vẫn cho rằng còn có những bằng chứng khẳng định con người đã bay được từ rất lâu trước những thời điểm nói trên, lâu tới mức những kiến thức về công nghệ đó đã bị biến mất và câu chuyện của người cổ đại kể về những ưu việt trong việc bay lên chỉ được coi như những câu chuyện hoang tưởng.
Liệu những tuyên bố trên có hoàn toàn đúng sự thật? Chúng ta hãy nhìn lại những bằng chứng ám chỉ tới việc bay lượn của con người.
Cỗ máy biết bay của người Ai Cập
Vào năm 1898, một vật bằng gỗ được tìm thấy trong hầm mộ tại
Saqquara (Ai Cập) có niên đại vào khoảng 200 năm trước công nguyên. Vật thể này có thân giống máy bay, cánh dài gần 18 cm hơi uốn cong xuống, có bánh lái và đuôi gắn cố định. Trông nó rất giống với máy bay hay tàu lượn ngày nay. Nhưng vì vào năm 1898 máy bay chưa được phát minh nên vật thể này được cho là cho mẫu hình của loài chim và được cất vào tầng hầm của Viện bảo tàng Cairo.
Sau đó nhiều năm tiến sĩ
Khalil Messiha - chuyên gia mô hình thời cổ đại đã nghiên cứu lại vật thể này. Theo ông và nhiều chuyên gia cùng ngành, vật thể có những đặc điểm khí động học tiên tiến nhất, rất giống với các tàu lượn hiện đại vốn chỉ cần rất ít năng lượng để bay lên cao. Hai cánh uốn cong của nó chính là loại cánh có góc đảo chiều của máy bay ngày nay, giúp nâng độ cao nhanh chóng. Loại thiết kế tương tự được dùng để chế tạo máy bay Concorde siêu thanh.
Trong khi đó, tiến sĩ
Ruth Hover đã phát hiện ra các hình trạm trổ kỳ lạ tại đền
Abydos (Ai Cập). Ông đã chụp ảnh lớp tường gốc sau khi lớp che phủ bên ngoài bị vỡ nát và rơi xuống. Lớp tường gốc phía trong có khắc những hình trông giống hình vẽ nghiêng của máy bay thời nay. Một hình giống như máy bay lên thẳng, số khác giống như máy bay, tàu bay đệm khí hay thậm chí giống cả đĩa bay. Khi lần đầu tiên những bức ảnh này được công bố, người ta cho rằng chúng đã được sửa đổi bằng công nghệ kỹ thuật số để lừa bịp. Quả thực, một số bức ảnh đã được chỉnh sửa để thể hiện rõ những nét trông giống như máy bay thời nay. Nhưng ngay cả với những bức ảnh gốc chưa được sửa đổi thì các đặc điểm giống như máy bay ngày nay cũng được thể hiện rất rõ.
Tàu vũ trụ tại Trung và Nam Mỹ?
Ai Cập không phải là nền văn minh cổ đại duy nhất chế tạo được những dụng cụ kỳ lạ. Đồ vật trang trí bằng vàng ít nhất là
1.000 năm tuổi - ước tính có niên đại vào khoảng 500 - 800 sau Công nguyên - đã được tìm thấy tại Trung Mỹ và dọc vùng duyên hải Nam Mỹ. Nếu không được biết tuổi của kỳ vật này, hẳn người nào nhìn thấy sẽ cho rằng đó là một mô hình tàu vũ trụ hoặc một máy bay hình tam giác của trẻ con.
Đồ vật này cũng có đôi cánh hình tam giác, bộ thăng bằng và bánh lái. Thậm chí còn có điểm giống như chỗ ngồi dành cho phi công ở phía bên phải. Tuy nhiên, các chuyên gia khí động học lai cho rằng đôi cánh của vật này nằm gần đuôi quá khiến nó khó có thể là tâm điểm trọng lực của vật thể và mũi của nó không hề vững chắc về mặt khí lực học.
Dù vật này tượng trưng cho điều gì đi nữa thì hình dáng trông giống một chiếc máy bay hoặc tàu vũ trụ ngày nay là điều không thể phủ nhận.
Nasca - những hình vẽ bí ẩn
Nằm trải rộng trên cao nguyên có diện tích khoảng 14 km2 gần
Nasca (Peru) là công trình nghệ thuật khổng lồ được người Paracas và Nasca "vẽ" trên mặt đất. Những hình vẽ này được biết đến với tên gọi địa chạm. Đó là hình vẽ 18 loài chim khác nhau, khỉ đuôi cong, cá heo, nhện 150 chân, thằn lằn, hình người và các hình vẽ kỳ lạ khác. Cho đến nay mục đích và lý do tạo ra các hình vẽ này vẫn là một trong những bí ẩn chưa có lời giải.
Các nhà khảo cổ không hiểu bằng cách nào người thời đó có thể tạo ra công trình nghệ thuật khổng lồ đến vậy, nhưng lại không thể nhận ra chúng nếu đứng trên mặt đất. Chỉ có thể phát hiện ra những hình vẽ này từ vị trí rất cao, trong khi ở gần đó lại không hề có bất kỳ ngọn núi hay khu vực có địa hình cao nào để có thể từ đó nhìn xuống dải Nasca. Thực ra, chỉ mới gần đây công trình này được các nhà thám hiểm phát hiện ra khi đi bằng máy bay qua đó.
Có giả thuyết cho rằng Nasca là sân bay vũ trụ thời cổ đại. Còn mạng lưới đường mòn đan chéo tại đây chính là các đường băng cho máy bay; phi công và hành khách là những người có đặc quyền ngắm nhìn những bức vẽ khổ rộng đó.
Cũng có một giả thuyết kém phần ấn tượng hơn cho rằng những con người của nền văn minh cổ đại này đã chế tạo ra các khinh khí cầu đưa hành khách bay lên cao để ngắm nhìn các biểu tượng này. Năm 1974,
Julian Nott và
Jim Woodman đã thử nghiệm giả thuyết này bằng cách chế tạo một khinh khí cầu từ loại vật liệu được người dân Nasca sử dụng. Giỏ khí cầu làm từ cây sậy, vải kết từ sợi bông và được đẩy lên bằng khí nóng từ củi. Chiếc giỏ được đặt tên
Condor 1 và bay lên nhanh chóng với khoảng cách 90 m trên mặt đất. Điều này chứng tỏ thổ dân Nam Mỹ trong vùng đã thành công trong việc chế tạo ra loại máy nhẹ hơn không khí trước người châu Âu.