Màn hình
Khi mở máy, ấn tượng đầu tiên là phần webcam. Webcam 2.0 megapixel cho hình ảnh tương đối. Khi dùng thử với chương trình Smart Logon, máy nhận dạng khuôn mặt khá tốt. Lúc đăng nhập, webcam có khả năng bát dính khuôn mặt “chủ nhân” để nhận dạng. Người viết thử lại gần webcam và sau đó lùi nhanh ra sau thì máy vẫn kịp thời bắt hình và nhận dạng được. Lại tiếp tục thử chụp hình và cho máy “xem” bằng màn hình LCD của máy chụp hình thì máy không chịu đăng nhập (nhưng vẫn nhận biết và theo dõi khuôn mặt trên LCD máy chụp hình). Không biết khi dùng hình chụp đã rửa thì máy có nhận không, nhưng với thử nghiệm nho nhỏ trên cho thấy sự tin tưởng khi dùng webcam để Smart Logon.
Bản lề màn hình ở mức trung bình, không nhỏ quá nhưng cũng không to quá. Phía đầu bản lề được nhấn mạnh bằng chi tiết kim loại sáng bóng. Cảm giác mở máy tương đối nặng, chắc chắn. Màn hình khi mở lên được giữ chắc chắn, không rung. Bạn không thể dùng 1 tay để mở nắp máy mà phải giữ phần thân máy lại, cá nhân người viết thích sự cứng chắc, khỏe khoắn của bản lề màn hình như vậy.
Độ mở tối đa của màn hình tương đối cao, viền màn hình cứng, ở các góc màn hình và các cạnh có các nút cao su giúp giữ màn hình tránh bị cấn bàn phím khi gập máy lại.
Màn hình gương phản chiếu khá nhiều thứ xung quanh và không tốt khi làm việc, giải trí trong môi trường nhiều ánh sáng. Góc nhìn của máy chỉ tương đối. Khi nhìn ngang thì màu sắc hơi tối. Nhưng nếu ngồi làm việc bình thường thì màn hình cho chất lượng hình ảnh tốt, màu sắc đẹp, hiển thĩ rõ ràng. Màn hình tuy có độ lớn là 16-inch nhưng chỉ hỗ trợ độ phân giải 1366 x 768 – khá ít với các model 16-inch khác. Điều này cũng có lợi khi soạn thảo văn bản do font chữ lớn, dễ nhìn; nhưng sẽ là bất lợi nếu bạn xem hoặc xử lý ảnh lớn, khi duyệt web có nội dung dài bạn cũng mất công cuộn chuột nhiều hơn.
Loa
Máy trang bị loa Altec Lansing ở ngay phía trên vùng bàn phím với chứng nhận âm thanh EAX Advanced HD 4.0. Tuy nhiên mức độ chi tiết cũng như chất lượng âm thanh chỉ ở mức “chống điếc”. Mở âm lượng lớn bị rè, âm cao quá dư, âm trầm quá thiếu. Nhìn chung không thể đòi hỏi nhiều ở chất âm của loa tích hợp trong laptop. Nếu bạn muốn thật sự đắm chìm vào thế giới game thì nên trang bị một bộ loa ngoài hoặc ít ra là một headphone có chất lượng cao.
Pin, công suất tiêu thụ và nhiệt độ
Pin 6-cell 53Wh. Tuy nhiên thời gian dùng pin khá thấp. Điều này cũng dễ hiểu vì cấu hình máy khá khủng, các linh kiện “ăn” điện nhiều. Chúng tôi thử nghiệm pin với 3 điều kiện làm việc và test luôn cả thời gian sạc pin.
- Xem phim: Tôi cho chương trình Windows Media Player chạy lại liên tục đoạn trailer phim Madagasca 2 được tải về từ Apple. Độ sáng màn hình thiết lập ở mức 100%, tôi không sử dụng loa mà dùng tai nghe với âm lượng thiết lập trong Windows là 75% (âm lượng trên WMP là 100%). Thời gian đo từ khi bắt đầu xem phim cho đến khi máy tự tắt vì pin còn 5% theo đúng thiết lập của Windows.
- Lướt web: Tôi dùng phần mềm Mozilla Firefox 3.6 đi kèm cùng máy. Sử dụng tiện ích miễn phí từ website www.sitereloader.com cho phép các website tự động load lại sau một khoảng thời gian do tôi thiết lập. Các website được cài thời gian reload khác nhau, một số trang có nhiều banner quảng cáo hay flash như 5giay.vn, vnexpress.net cũng được đưa vào thử nghiệm. Tổng số website được mở là 11 trang, trong đó có một trang từ mp3.zing.vn để chạy nhạc online và cũng tự reload. Firefox có cài thêm addon tự động chuyển sang các tab khác nhau sau 60 giây. Độ sáng màn hình ở mức 4 (tổng cộng 8 mức), tai nghe âm lượng 80%. Thời gian đo từ khi bắt đầu rút dây nguồn cho đến khi máy tự tắt.
- Chơi game: Tôi mở benchmark FarCry 2 chạy ở DirectX 10 với thiết lập ultra và khử răng cưa 8x, loop 99. Máy được thiết lập ở chế độ Power4Gear cao nhất khi dùng pin. Màn hình để ở độ sáng tối đa, tai nghe được cắm qua giắc 3.5 ly trên máy. Thời gian đo tính từ khi rút dây nguồn cho đến khi máy tự tắt.
- Thời gian sạc pin: Cũng là một yếu tố cần quan tâm khác. Ngay khi máy tự động tắt, tôi cắm sạc và khởi động máy lại, thời gian bắt đầu tính từ thời điểm này. Khi pin được sạc đầy 100%, thời gian tính kết thúc. Trong quá trình sạc, tôi vẫn để máy chạy bình thường với các tác vụ lướt web, nghe nhạc, soạn thảo văn bản, độ sáng màn hình tối đa.
Thời gian dùng pin thật sự rất… ấn tượng vì độ mau hết của nó. Chơi game chưa được 1 giờ với thiết lập cao nhất. Xem phim nghe nhạc và ngay cả lướt web, gõ văn bản thì cũng không thể vượt qua được 2 giờ. Đi đâu bạn cũng phải kè kè theo adapter và tìm chỗ ngồi có ổ cắm điện – hơi phiền phức đúng không?
Adapter công suất 120W khi tải nặng (vừa sạc vừa bench game) khá nóng, công suất cao nhất khi vừa sạc vừa bench game Lost Planet Colonies ở area 1 (việc nặng nhất trong các test tôi thử) là 105W; vừa sạc vừa làm các việc khác là 80W. Khi pin đã đầy (sau gần 3 giờ sạc), lại tiếp tục thử với việc nặng nhất thì hệ thống tiêu thụ 95W, và khi full load CPU bằng phần mềm Cinebench R11.5, hệ thống tiêu thụ 55W.
Nhiệt độ khi chơi game…
… và tại khe thoát gió là khoảng 70oC, toàn bộ phần mặt bàn tại khe thoát gió kéo dài khoảng 40cm đều khá nóng. Chơi game nặng với bàn phím tích hợp, việc đặt tay lên phần lót tay thực sự là khó chịu. Bạn nên trang bị bàn phím và chuột rời nếu muốn thật sự thoải mái. Nhiệt độ bên trong máy và các thành phần được đo bằng phần mềm Real Temp. Lúc benchmark game, nhiệt độ CPU cao nhất vào khoảng 67 – 70oC và nhiệt độ GPU đạt mốc 88oC! Lúc idle, nhiệt độ CPU dao động trong khoảng 50oC và GPU là 54oC.
Máy tuy mạnh mẽ, cấu hình khủng, cao cấp, kèm theo đó là pin mau hết và nhiệt độ khó chịu. Đã là 1 gamer, xác định là cần hiệu năng cao thì phải hi sinh thời gian dùng pin và chịu đựng nhiệt độ cao, điều này có lẽ các gamer cũng không lạ gì. Các gamer dùng desktop thậm chí còn dùng các bộ tản nhiệt cao cấp, water cooler và cả LN2 để đổi lấy hiệu năng, còn các gamer dùng laptop đành phải chấp nhận nhiệt độ cao, có thể giảm bớt bằng cách ngồi phòng máy lạnh, dùng quạt thổi thẳng vào máy hoặc các cách khác… Tuy nhiên, không có khó khăn nào có thể ngăn được niềm đam mê của họ.