BNN
Hỏa Sơn
Đà Nẵng sẽ là trung tâm khoa học-công nghiệp môi trường cả nước
Với quyết tâm xây dựng và giữ vững thương hiệu "thành phố môi trường", trung tuần tháng 11-2011, Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết đã chính thức ký quyết định phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường (CNMT) TP Đà Nẵng đến năm 2020.
Quyết định nêu rõ, mục tiêu tổng quát là đưa CNMT trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm khoa học-CNMT lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.
Hướng đột phá mới
Theo quyết định, giai đoạn 2011-2020, Đà Nẵng tập trung hướng chiến lược phát triển các lĩnh vực dịch vụ môi trường với việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước. Đầu tư mạnh dịch vụ quản lý và kiểm soát các nguồn ô nhiễm như: Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; xây dựng vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải, nhất là các chất thải rắn, nước thải đô thị, nước thải công nghiệp, khí thải công nghiệp. Đặc biệt, thành phố tập trung xây dựng thương hiệu và nâng cao uy tín, sức cạnh tranh cho một số loại hình dịch vụ môi trường tiêu biểu, phát triển năng lượng sạch. Định hướng quan trọng nữa là lựa chọn phát triển ngành CNMT ưu tiên lựa chọn công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao trong quá trình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Giai đoạn 2011-2015, thành phố chủ động thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, tiếp cận và làm chủ các công nghệ tiên tiến trong ngành môi trường, trong đó, tập trung ưu tiên ứng dụng các công nghệ và giải pháp xử lý chất thải hiệu quả nhằm xử lý triệt để các loại rác thải sinh hoạt, y tế, rác thải, nước thải và khí thải công nghiệp, nước thải bệnh viện, nước thải tại các bãi chôn lấp, cũng như phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, xử lý và cải thiện môi trường các khu vực bị suy thoái và ô nhiễm nghiêm trọng. Thành phố ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp các loại thiết bị môi trường có phạm vi ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, các sản phẩm xử lý và bảo vệ môi trường, các loại phương tiện vận chuyển chất thải rắn, nguy hại.
<table style="WIDTH: 20px; HEIGHT: 20px" align="center" cellpadding="0" cellspacing="2"> <tbody> <tr> <td>

Doanh nghiệp ô nhiễm sẽ phải chịu trách nhiệm và trả tiền gây ô nhiễm.
</td></tr></tbody></table> Giai đoạn 2006-2010, tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, chế tạo thiết bị ngành CNMT, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao, hiện đại, ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt chú trọng các công nghệ sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo ứng dụng cho các lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn và các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Tiến tới khôi phục và tái tạo tài nguyên, môi trường thông qua việc tích cực thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió), cũng như thúc đẩy phát triển các mô hình, dự án sử dụng năng lượng tái tạo quy mô nhỏ thay thế các nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí thiên nhiên, than đá... Kêu gọi các dự án đầu tư tái chế chất thải và tái tạo tài nguyên, nhất là các dự án công nghệ cao tái chế các loại phế liệu như: nhựa, giấy, kim loại là các chất thải chiếm tỷ lệ cao trong thành phần chất thải rắn của Đà Nẵng và khu vực lân cận. Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động cung cấp nước sạch, trong đó, tập trung hoàn thành dự án cấp nước thành phố giai đoạn 2 theo đúng tiến độ nhằm nâng tổng số công suất cấp nước thành phố lên 325.000m3/ngày đêm vào năm 2015.
Quy hoạch không gian riêng cho các dự án CNMT
UBND TP tập trung thực hiện 7 giải pháp trọng tâm, trong đó, tập trung vào việc tiến hành quy hoạch, định hướng chiến lược lồng ghép phát triển CNMT vào chiến lược phát triển KT-XH của Đà Nẵng và vùng phụ cận, trong đó, chú trọng nghiên cứu xây dựng quy hoạch khu-cụm công nghiệp dành riêng cho dự án đầu tư vào các lĩnh vực CNMT dựa trên việc học tập, tham khảo kinh nghiệm từ các nước phát triển như mô hình ECO-TOWN của Nhật Bản (khu vực vừa tập trung các nhà máy sản xuất sản phẩm, thiết bị BVMT, xử lý, tái chế chất thải, vừa có chức năng giáo dục BVMT cho doanh nghiệp, người dân). Thành phố cũng chủ động tạo ra, thúc đẩy nhu cầu thị trường cho ngành CNMT việc thúc đẩy, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công về hạ tầng MT từ vốn ngân sách và nguồn ODA nhằm tạo động lực về nhu cầu thị trường cho ngành CNMT, cũng như khuyến khích việc sử dụng sản phẩm của ngành CNMT thông qua việc ban hành cơ chế chính sách ưu đãi với doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư dự án xử lý nước thải, dự án áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, trợ giá cho sản phẩm thân thiện môi trường.
Song song đó, tăng cường hoạt động giám sát bảo vệ môi trường, cụ thể hóa chủ trương người gây ô nhiễm phải trả tiền vào các văn bản pháp quy của thành phố để tiến tới tất cả các vấn đề ô nhiễm phải có địa chỉ quy trách nhiệm, chấm dứt sự bao cấp, chung chung như trước đây và thực hiện thu phí môi trường thỏa đáng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp lĩnh vực CNMT hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, thành phố cũng "đi tắt đón đầu" phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành CNMT trên cơ sở hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đào tạo lĩnh vực môi trường đi đôi với việc xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia hoạt động bảo vệ, phát triển ngành CNMT thành phố.
Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác như: Thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển CNMT; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo những giải pháp công nghệ đặc thù phục vụ ngành CNMT; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp môi trường trên địa bàn xây dựng, nâng cao uy tín thương hiệu, năng lực cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn ra xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, lập Hiệp hội CNMT thành phố nhằm tạo sự liên kết giữa chính quyền và doanh nghiệp MT...
Quang Sang (CAĐN)