BNN
Hỏa Sơn
Đà Nẵng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “các ý tưởng xây dựng Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và Châu Á”. Hội thảo đã thu hút gần 50 ý tưởng của các Tiến sĩ, Kiến trúc sư, doanh nghiệp và cả ý tưởng của các nhà quản lý,…hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố của du lịch, dịch vụ chất lượng cao và công nghệ cao.

Đêm Đà Nẵng - Ảnh Nguyên Khôi
Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá: Trong chặng đường 10 năm đô thị hóa, Đà Nẵng đã có những bước đột phá trong phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đà Nẵng được người dân trong nước, Việt kiều và người nước ngoài, và cả người dân Đà Nẵng đánh giá là sự vượt lên, tăng tốc và thực thi thành công chương trình xây dựng và phát triển thành phố. Nếu đối chiếu với những tiêu chí phát triển đô thị bền vững của World Bank như: Sức cạnh tranh, điều kiện sống, tài chính lành mạnh, quản lý đô thị,…thì Đà Nẵng còn nhiều việc phải nỗ lực phấn đấu. “TP Đà Nẵng tuy ít người thất nghiệp nhưng chưa phải là nơi đến để tìm việc làm của dân chúng trong khu vực. Theo thống kê dân số, mỗi năm Đà Nẵng tăng dân số cơ học trên 1 vạn người, trong đó hơn 50% là sinh viên đến học tại các trường Cao đẳng và Đại học. So với TP Biên Hoà (Đồng Nai), thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), và một số tỉnh, thành khác, dân số tăng cơ học của Đà Nẵng thấp hơn nhiều do khả năng cung cấp việc làm, cơ hội kiếm sống hạn chế hơn. Thực tế cho thấy khu công nghiệp tại Đà Nẵng phát triển chậm, quy mô nhỏ, tiền lương trả thấp, đồng thời hoạt động dịch vụ khác chưa phát triển để tạo nhiều việc làm” – KTS Nguyễn Tấn Vạn nhận định.
KTS Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, Đà Nẵng cần xây dựng một thành phố có đặc trưng riêng thông qua các hoạt động có tính mũi nhọn để thu hút đầu tư và kinh doanh phát triển, như xây dựng thành phố du lịch - hội nghị chất lượng cao; Thành phố thể thao – du lịch - chữa bệnh trên cơ sở khai thác lợi thế biển, nắng và vùng tiểu khí hậu trên núi cao... Những mô hình phát triển nêu trên luôn đi cùng với những đô thị có tiềm năng về thiên nhiên nhưng quan trọng là môi trường sống an toàn, trong sạch, một thành phố xanh. Không những thế, Đà Nẵng cũng có thể xây dựng thành một thành phố của các sự kiện lớn của quốc tế, điển hình là bằng việc tổ chức những cuộc thi pháo hoa quốc tế, đã tạo một địa danh trong trí nhớ, một điểm đến trong hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch. “Thời gian đến, Đà Nẵng cần mạnh dạn mở rộng hoạt động sự kiện, có tầm quốc gia, quốc tế, vừa tạo cơ hội đầu tư từ cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, vừa thúc đẩy dịch vụ đa ngành với trình độ cao. Các sự kiện này có tác dụng nâng tầm của thành phố, tạo sự hấp dẫn, tin tưởng của nhà đầu tư, nhà kinh doanh. Tuy nhiên, để có một thành phố du lịch – hội nghị - thể thao - chữa bệnh, thành phố của các sự kiện, việc tạo dựng cảnh quan đặc trưng, không gian đô thị truyền thống, có cá tính vùng địa phương là rất quan trọng. Các giải pháp quy hoạch dọc đường Nguyễn Tất Thành do Hàn Quốc nghiên cứu có khi làm hỏng hình ảnh của Đà Nẵng bởi sự khô cứng và vô cảm của hình ảnh đô thị” – KTS Nguyễn Tấn Vạn nhấn mạnh.
Phát triển phải bền vững
Thận trọng hơn trong ý tưởng quy hoạch TP Đà Nẵng, Tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đưa ra ý tưởng “Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sống tốt” trong 20 năm tới (2030-PV). TS Trần Du Lịch cho rằng, Đà Nẵng phải xây dựng thành phố theo quan điểm: Phát triển bền vững, gắn liền với quy hoạch mang đặc điểm nền kinh tế đô thị, gắn với phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, phát triển KT-XH đặt trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, TS.KTS Trần Ngọc Chính đưa ra một số ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng trong thời gian tới, đó là: đã là một thành phố du lịch ngang tầm khu vực và thế giới, thành phố nên xây dựng Trung tâm Du thuyền tại vịnh Đà Nẵng; xây dựng hòn đảo nhân tạo với các hoạt động vui chơi, giải trí độc đáo kiêm bảo tàng hải dương học trên vịnh Đà Nẵng; xây dựng tụ điểm dịch vụ du lịch trên đỉnh Sơn Trà – vị trí đẹp nhất nhìn về Đà Nẵng về đêm; xây dựng thành phố trên cao tại bán đảo Sơn Trà… Với ý tưởng này phù hợp với tiêu chí thành phố du lịch gắn với công nghệ cao.
Nói về ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng thành thành phố Công nghệ cao, Tiến sĩ Trần Ngọc Ca – Văn phòng Hội đồng Chính sách khoa học công nghệ quốc gia, cho rằng, để phát triển một khu về công nghệ, Đà Nẵng nên chọn hướng phát triển Khu Công nghệ cao chứ không chỉ là Khu Công nghiệp công nghệ cao. Ưu điểm của Khu Công nghệ cao là khai thác và phát triển được các năng lực về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo. “Khi chọn mô hình này, về lâu dài Đà Nẵng sẽ có nhiều lợi thế phát triển kinh tế dựa trên giá trị gia tăng cao hơn, nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, thay vì chỉ tập trung sản xuất công nghiệp đang có xu thế gia công, ít giá trị gia tăng và rất dễ bị rơi vào “bẫy lao động trẻ, thu nhập và giá trị gia tăng thấp” – TS Trần Ngọc Ca nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Quốc hội TPHCM, nhận định: Đà Nẵng là địa phương đi trước một bước về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo môi trường mở cho thu hút đầu tư, tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch phát triển, Đà Nẵng cần chú trọng vào phát triển dịch vụ công, đặc biệt là không gian công cộng. Đà Nẵng phải chú trọng phát triển Công nghiệp chất lượng cao, vì chỉ Công nghiệp chất lượng cao mới mang lại nguồn thu bền vững cho sự phát triển. Tiến sĩ Trần Du lịch cũng nhận định rằng, Đà Nẵng dựa vào khai thác quỹ đất để phát triển hạ tầng là cần thiết nhưng phải có điểm dừng. Muốn phát triển bền vững thì Đà Nẵng cần dựa vào nguồn thu bền vững. Một vấn đề khác mà Tiến sĩ Trần Du Lịch quan tâm đó là Đà Nẵng phải giải quyết “vấn nạn xe máy” trong quá trình phát triển của mình.
Ngọc Thuỷ (Website UBND Tp Đà Nẵng)
(Tiêu đề tin được thay đổi bởi BNN)
(Tiêu đề tin được thay đổi bởi BNN)