BNN
Hỏa Sơn
Công nghiệp Đà Nẵng: Tăng trưởng nhưng vẫn lo
Giá trị sản xuất công nghiệp (CN) của Đà Nẵng tăng 17% so với năm trước, tuy nhiên sự tăng trưởng đó thiếu bền vững. Nguyên nhân vì quá lệ thuộc vào xuất khẩu, hàm lượng giá trị thấp trong khi chi phí sản xuất, nguyên liệu, lãi suất ngân hàng đang là gánh nặng với DN. Làm thế nào để CN Đà Nẵng chuyển biến về chất?
“Phủ sóng” thị trường
Năm 2010, CN Đà Nẵng đã thoát hẳn khủng hoảng kinh tế tạo đà phục hồi mạnh mẽ nhờ thị trường xuất khẩu được mở rộng và giữ vững. Giá trị sản xuất CN cả năm ước đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng, trong đó khối CN có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhất, hơn 32%. Trong khối này, hầu như 100% là DN xuất khẩu, chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế. Sang năm 2010, thị trường thế giới hồi phục nên các DN này đã hồi phục khá nhanh, phát huy tốt công suất đầu tư, nổi bật như điện tử Foster, Daiwa, ITG-Phong Phú, Nguyên liệu giấy Việt-Nhật, Mabuchi Motor Đà Nẵng... Bên cạnh đó, khối CN địa phương cũng có mức tăng ấn tượng hơn 19%.
Khu vực này đạt mức tăng trưởng cao do có nhiều dự án đầu tư mới như Thép Đà Nẵng-Ý, Thép Thái Bình Dương. Đặc biệt nhiều DN lớn đã đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, tận dụng tối đa sức tiêu thụ của các thị trường truyền thống như thủy sản Thuận Phước tăng 29,3%, Dệt may 29-3 tăng 29,6%, Xi- măng Ngũ Hành Sơn tăng 39,4%... Ông Lê Viết Tươi – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, phần lớn các DN xuất khẩu của Đà Nẵng đã có đơn hàng từ đầu năm nên chủ động trong kế hoạch sản xuất. Điều đặc biệt là nhờ khủng hoảng, một số thị trường mới như Trung Đông, Nam Phi đã được các DN tìm kiếm cơ hội và đây là thời điểm họ đẩy mạnh xuất khẩu. Nhiều đơn hàng lớn về may mặc, thủy sản, nông sản đã được xuất sang Trung Đông với giá trị thu về cao nhưng ít vướng phải các hàng rào phi thuế quan đã mở ra triển vọng rất lớn cho DN Đà Nẵng.
Có thể nói chính việc hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường thông qua các hội chợ, hội thảo ngay trong điều kiện khủng hoảng nay đã phát huy hiệu quả. Cũng vì vậy, ngay tại thời điểm khi có nhiều đơn hàng, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường vẫn được triển khai mạnh mẽ theo hướng thị trường đa dạng, sức tiêu thụ lớn nhưng “dễ tính”. Thông qua đó, những thị trường đã khai thác nhưng hiệu quả không cao sẽ dần bị thay thế. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu của TP trong năm nay khoảng 1,2 tỷ USD, một con số ấn tượng, tăng hơn 35% so với năm trước.
Bên cạnh xuất khẩu thì các ngành CN sản xuất trong nước cũng phát huy hiệu quả mạnh mẽ nhờ cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt ngày càng đi vào chiều sâu. Không ít sản phẩm tiêu dùng của Đà Nẵng từ may mặc, giày da, sắt thép, xi-măng, đồ chơi... đã tìm được chỗ đứng ổn định ở thị trường nội. Không những thế, các thị trường lân cận như Lào, Campuchia cũng được DN Đà Nẵng quan tâm nhờ lợi thế từ tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây. Không ít DN sản xuất đã coi đó là hướng mở, tạo sân sau ở các thị trường này. Ông Lê Phạm Thanh Tâm- Giám đốc Biti's Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã xem thị trường Lào là hướng mở đột phá trong thời gian tới. Nhiều hoạt động khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường này đã được DN triển khai và nhận thấy đủ sức để “phủ” sóng hàng Việt trên diện rộng.
<table style="width: 20px; height: 20px;" align="center" cellpadding="0" cellspacing="2"> <tbody> <tr> <td>

DN sản xuất sứ tiêu dùng luôn gặp khó về nhân công. Ảnh: P.K
</td></tr></tbody></table>Mất dần lợi thếMặc dù tăng trưởng CN Đà Nẵng khá cao nhưng thiếu bền vững, bởi phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh đang mất dần. Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng có hàm lượng giá trị cao chúng ta không sản xuất được mà phải nhập khẩu với giá đắt đỏ. Trong khi đó, tăng trưởng nhờ xuất khẩu rất lớn nhưng chính những lợi thế xuất khẩu đang mất dần. Trước đây, nguồn lao động giá rẻ là một lợi thế, nhưng hiện nay chi phí cho lao động đã đội lên đáng kể. Lao động phổ thông bị thiếu hụt trầm trọng đặc biệt vào dịp đầu năm và cuối năm. Thời điểm này người lao động thường “nhảy cóc” dẫn đến việc duy trì sản xuất không ổn định. Nguồn nguyên liệu tại chỗ trước đây cũng là lợi thế của các DN Đà Nẵng, nhưng nay nguyên liệu đã không chủ động được. Nổi bật là các DN thủy sản liên tục trong tình trạng “đói” nguyên liệu.
Trước đây, việc khai thác gần bờ, số nhà máy chế biến cũng ít nên nguyên liệu thủy sản chủ động được. Trong điều kiện hiện tại, việc đánh bắt xa bờ gặp khó do thời tiết bất thường, các nhà máy nhiều, vùng nuôi trồng quản canh bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, bão lụt thường xuyên. Thực trạng đó buộc nhiều DN thủy sản phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, từ đó đã mất đi lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, những khó khăn về vốn tiếp tục ghìm chân DN. Hơn 95% DN Đà Nẵng thuộc loại nhỏ và vừa, rất khó khăn về vốn. Lãi suất ngân hàng bị đẩy lên có lúc tới 21% đã khiến không ít DN làm không đủ lãi để “nuôi” ngân hàng.
Từ những khó khăn đó cho thấy lợi thế cạnh tranh đang mất dần, việc tăng trưởng CN Đà Nẵng tuy cao nhưng thiếu bền vững. Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, các DN cũng cần đổi mới dây chuyền thiết bị để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Về lâu dài phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, chủ động nguồn vốn, nguồn nguyên liệu.
Hải Hậu (CAĐN)