BNN
Hỏa Sơn
Công nghệ làm giả giấy tờ đất
Lợi dụng nhiều dự án đã công bố quy hoạch nhưng bị “treo” nhiều năm qua, đồng thời gần đây giá đất ở TP Đà Nẵng bị “sốt” khá cao, nên tình trạng làm giả giấy tờ nhà đất rồi lén lút san lấp mặt bằng đất nông nghiệp, xây dựng nhà trái phép đang diễn ra phức tạp. Đáng chú ý là thủ đoạn làm giả giấy tờ đất đai nhìn bằng mắt thường giống y như thật, nên dễ dàng đánh lừa người cần mua đất, và chỉ những người liên quan đến việc ký tên phê duyệt… mới nhận ra ngay là giấy tờ giả mạo.
Đã nhiều lần chúng tôi có dịp tiếp cận các “cò” đất trên địa bàn các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) và dần nắm được một số thông tin về việc đã có những đường dây làm giả giấy tờ đất đai, cũng như tận mắt nhìn thấy các hồ sơ đất đai mới được phê duyệt cho người cần mua, có ký tên đóng dấu đỏ của Chủ tịch UBND các phường liên quan, nhưng thời điểm ký thường lùi lại trong khoảng năm 2000 - 2002 (trước thời điểm công bố các khu quy hoạch dân cư). Đây chính là hồ sơ đất đai giả 100%, nhưng những người có nhu cầu không hề hay biết.
Được biết, ông Phan Văn Vĩnh - nguyên Chủ tịch UBND P. Hòa Khánh (Q. Liên Chiểu) giai đoạn năm 2001-2005, đến năm 2006 ông Vĩnh bị bệnh chết và sau đó không lâu phường này được chia tách thành 2 phường Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc. Song, hiện tại nếu ai cần có bộ hồ sơ đất “2 lá” (gồm Đơn đề nghị giao đất xây dựng nhà ở và sơ đồ thửa đất), hoặc hồ sơ “3 lá” (có thêm Đơn xin xác nhận nhà ở), thì chỉ tốn chừng 10-15 triệu đồng là có ngay 1 bộ hồ sơ đứng tên của mình có chữ ký của ông Phan Văn Vĩnh và đóng dấu UBND P. Hòa Khánh (cũ). Không lẽ ông Vĩnh sống lại để ký lùi giấy tờ thu lợi chăng!? Hoặc như ở P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu có ông Phạm Minh - nguyên Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND, Bí thư phường (gần 1 năm nay chuyển công tác về Phòng Kinh tế Q. Liên Chiểu), nhưng người dân mới đến mua đất tại các tổ 21, 23, 59, 73… thuộc phường, chỉ cần thông qua “cò” là có ngay bộ hồ sơ xin giao đất ký tên ông Minh, đóng dấu từ năm 2000 -2001, mà họ vẫn đinh ninh là giấy thật.
<table style="width: 20px; height: 20px;" align="center" cellpadding="0" cellspacing="2"> <tbody> <tr> <td>

Mua được đất có hồ sơ giả mạo, nhưng người dân vẫn không hay biết, “vô tư” xây nhà trên đất nông nghiệp (ảnh chụp tại tổ 21, Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ảnh: H.T
</td></tr></tbody></table>Chúng tôi đã nhiều lần đưa các hồ sơ trên đến nhờ các cán bộ liên quan xác minh thực hư, liền được trả lời ngay là giấy tờ giả mạo. Khi nhìn dòng bút phê đề nghị trong đơn xin giao đất, ông Phan Văn Ngọc (nguyên cán bộ địa chính P. Hòa Khánh cũ, nay là cán bộ tư pháp P. Hòa Khánh Nam) khẳng định đây là những hồ nước sâu, đất nằm dưới đường dây điện cao áp… làm sao ông có thể đề nghị UBND phường phê duyệt được! Vả lại, màu mực và dòng chữ phê trong đơn không phải là nét chữ của ông Ngọc. Khi nhìn một bộ hồ sơ giả, ông Nguyễn Văn Quang - nguyên cán bộ địa chính P. Hòa Minh, nay là cán bộ tư pháp phường) cho biết thêm: “Thứ nhất là nét chữ không phải của tôi trực tiếp viết ra, kế đến là trong sơ đồ bản vẽ lô đất không ghi số tổ dân phố hay khu vực dân cư, không ghi số thửa, ký hiệu hướng lô đất, diện tích…”. Có nhiều bộ hồ sơ đất làm từ các năm khác nhau, khu vực cách xa nhau…, nhưng phần chữ ký và con dấu của UBND phường đều “rập khuôn” nhau đến từng… milimet, như từ một bản chính phô-tô ra thành nhiều bản.
Vậy, bằng “công nghệ” nào để cho ra “lò” các bộ hồ sơ đất giả? Một số cán bộ chuyên ngành về lĩnh vực nhà đất cho chúng tôi biết, thủ đoạn của các đối tượng chuyên nghĩ ra các trò lừa đảo này là dùng bản gốc của bộ hồ sơ thật nào đó, rồi dùng máy quét màu copy sang máy vi tính, sau đó tẩy xóa các phần ghi bằng mực trước đó, chỉnh sửa số liệu, sơ đồ… rồi ra phim và dùng kỹ thuật đề-can in lụa, ép lụa bút phê, chữ ký, con dấu sang bộ phôi hồ sơ khác, cuối cùng là ghi các thông số mới, tên của người đứng đơn và bàn giao hồ sơ lấy tiền là xong. Theo ước tính sơ bộ, trên địa bàn TP có cả ngàn hồ sơ giả như thế, với mục đích là hưởng lợi về đền bù và bố trí đất tái định cư khi triển khai các dự án. Song người dân không hiểu rằng, đối với giấy tờ giả, làm nhà trên đất nông nghiệp, đất Nhà nước quản lý… thì không được áp dụng chế độ đền bù giải tỏa!
<table style="width: 20px; height: 20px;" align="center" cellpadding="0" cellspacing="2"> <tbody> <tr> <td>

Một hồ sơ đất giả mạo bị cơ quan chức năng phát hiện.
</td></tr></tbody></table>Cách đây chừng 3 năm, CAQ Liên Chiểu đã từng khám phá vụ án làm giả con dấu tài liệu cơ quan Nhà nước trong hồ sơ đất đai do Phan Văn Dũng cầm đầu và tổ chức. Dũng đã bị tòa án tuyên phạt 2 năm tù. Mới đây, thông qua Chuyên án 278G, CAQ Ngũ Hành Sơn triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ giấy tờ đất đai giả mạo giống y như thật. Cũng với thủ đoạn làm giả tương tự và bán các bộ hồ sơ đất “3 lá” giả, do Chủ tịch UBND P. Hòa Quý - Lê Trung Hàng ký từ năm 2000, các đối tượng Nguyễn Thuận Bình, Nguyễn Quang Thuận, Nguyễn Hữu Triều, Nguyễn Hữu Phúc và đối tượng cầm đầu Trương Văn Dụng lần lượt bị bắt tạm giam vào ngày 20-4-2011, với hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan Nhà nước”. Tang vật bước đầu thu được gồm 5 bộ hồ sơ đất “3 lá”, với số tiền “cò” là 100 triệu đồng, các dụng cụ khung gỗ in lụa, ép lụa, dấu, chữ ký, phôi hồ sơ…
Qua tìm hiểu, được biết cơ quan CA các cấp đều biết tình trạng làm giấy tờ nhà đất tràn lan, nhưng khó khăn nhất là mỗi khi phát hiện phải trưng cầu giám định, mà cả ngàn hồ sơ như thế kinh phí tốn kém tiền tỷ, lấy đâu để thực hiện. Cho nên hồ sơ giả vẫn tồn tại mà đa phần người mua là những hộ nghèo khó.
Hơn một tuần nay, vào trung tuần tháng 5-2011, UBND Q. Liên Chiểu áp dụng biện pháp khá “mạnh tay” là tiến hành cưỡng chế hàng trăm trường hợp đổ đất xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc… Khi tìm hiểu chủ nhân của những ngôi nhà mới xây, họ đa phần là người dân từ các vùng nông thôn ra mua đất, đều có trong tay hồ sơ đất “3 lá”, nhưng không biết rằng đấy là hồ sơ giả mạo.
Những gì chúng tôi nêu ra trong bài viết này là lời cảnh báo cho người dân trong việc mua bán đất cần đề cao cảnh giác, đừng để mình trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo rồi rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Trung Thành (CAĐN)
=> Các bác mua nhà, mua đất cẩn tận nhé. BNN cũng đã tiếp cận giấy tờ này khi định mua một mãnh đất ở Liên Chiểu; may nhờ có Ông anh khá có kinh nghiệm trong việc này nên đã chỉ cách phân biệt "thật - giả". Rất nên lưu ý cho mình và cả người thân...
Xem thêm: Mua đất tại Đà Nẵng, coi chừng mất trắng!
Xem thêm: Mua đất tại Đà Nẵng, coi chừng mất trắng!
Sửa lần cuối: