BNN
Hỏa Sơn
Chống rửa tiền qua bất động sản
Kể từ 15-10-2011, Nghị định 74 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền trong kinh doanh bất động sản (BĐS) sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, các sàn giao dịch BĐS, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, dịch vụ quản lý BĐS cần kiểm tra kỹ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch BĐS có “dấu hiệu đáng ngờ”.
<table class="image center" align="center" width="500"> <tbody> <tr> <td>
“Soi” các giao dịch BĐS
Lĩnh vực quản lý kinh doanh BĐS Trung ương và địa phương sẽ thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền. Như vậy, các hoạt động về giao dịch BĐS có dấu hiệu đáng ngờ sẽ bị “soi”. Theo Thông tư 12/2011 của Bộ Xây dựng, khách hàng thực hiện số lượng giao dịch BĐS từ 2 giao dịch trở lên trong 1 ngày; khách hàng mua, bán từ 2 BĐS trở lên trong một lần, kể cả khách hàng mua và bán BĐS phải được báo cáo thông tin giao dịch đến cơ quan có thẩm quyền.
Thông tư hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết mua bán BĐS rửa tiền, như không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp, hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản. Giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết, hoặc có trong danh sách cảnh báo do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp; hồ sơ liên quan đến BĐS có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu; có sự ủy quyền thực hiện giao dịch BĐS...
Thông tư cũng quy định, các sàn giao dịch BĐS phải có quy chế, cơ chế kiểm soát nội bộ và bố trí cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách phòng, chống rửa tiền; áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp khách hàng thiết lập mối quan hệ lần đầu với sàn giao dịch BĐS... Khi phát hiện các giao dịch đáng ngờ, đơn vị có trách nhiệm phải báo cáo cơ quan chức năng. Trường hợp tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh BĐS có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt có thể từ 5 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn khi để xảy ra vi phạm...
Thông tư cũng quy định các sàn giao dịch BĐS có quyền đề nghị phong tỏa tài khoản được sử dụng vào việc thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật; không thực hiện các giao dịch trong các trường hợp: tổ chức, cá nhân thuộc danh sách cảnh báo liên quan đến tội phạm do Bộ Công an cung cấp, các giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp và khi có lý do tin rằng giao dịch liên quan đến hoạt động phạm tội.
Cẩn trọng trong giao dịch BĐS
Tìm hiểu vấn đề này tại Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng thị trường BĐS Đà Nẵng quá nhỏ và nằm trong tầm kiểm soát. Thực tế giao dịch BĐS ở Đà Nẵng chủ yếu tại các dự án đất nền nên số lượng giao dịch đáng ngờ không nhiều. Thông tư quy định việc triển khai phòng, chống rửa tiền chủ yếu thực hiện thông qua các giao dịch BĐS tại các sàn giao dịch, tuy nhiên hiện giao dịch BĐS ở Đà Nẵng diễn ra lại ít qua sàn BĐS. Tuy vậy, người dân cần cẩn trọng trong các giao dịch BĐS như không đứng tên giao dịch hộ, giao dịch cùng lúc nhiều BĐS. Việc thực hiện Nghị định 74 cũng không ảnh hưởng đến thị trường cũng như cản trở các giao dịch BĐS.
Trong thời điểm tình hình tài chính BĐS gặp khó khăn vì bị thắt chặt, tỷ lệ nợ xấu BĐS vẫn cao, việc thực hiện phòng, chống rửa tiền ra đời trong thời điểm này góp phần làm cho việc kiểm soát thị trường tài chính nói chung và tài chính BĐS nói riêng chặt chẽ hơn. Đồng thời giúp cho các luồng tiền luân chuyển công khai minh bạch hơn cũng là tín hiệu đáng mừng trong hoạt động quản lý, kinh doanh BĐS.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG (ĐNĐT)