baochaobuoisang
Âm Phủ Động
Chị Kh. vẫn thường xuyên bị chồng đánh. Mới đây, nghe người khác xúi chị ngoại tình, chồng và con trai trói chị vào cột nhà đấm đá; cắt nát quần áo trên người chị; lấy dây buộc vào tay chị, doạ sẽ kéo đi khắp làng bêu xấu và xẻo từng miếng thịt trên người chị….
>
(Ảnh minh họa)
Nạn nhân chưa biết luật
Chị Trịnh Thị Kh. ở Yên Nghĩa, TP Hà Đông (Hà Nội) thường xuyên bị chồng đánh. Mỗi lần chồng chị đi đánh bạc về, thua tiền, cay cú, bực bội, lại đem chị ra làm chỗ trút giận.
Không có tiền chơi bạc, anh ta bắt chị phải đưa tiền. Nhà không có tiền, người chồng bắt chị phải đi vay nặng lãi. Khi không thể vay đựơc ai, chị lại bị chồng đánh.
Gần đây, chỉ vì nghe người khác xúi bẩy, nói chị có quan hệ với người đàn ông khác, anh ta cùng con trai trói chị vào cột nhà, đấm liên tiếp vào mang tai chị. Anh ta lại sai con trai mang dao kéo cắt nát quần áo trên người chị, khiến chị Kh. không còn một mảnh vải che thân. Họ còn vào nhà lục tủ lôi tất cả quần áo của chị Kh. ra băm nát.
Suốt 2 giờ đồng hồ, anh ta hành hạ, chửi rủa, bắt ép chị phải nhận là đã có quan hệ với người đàn ông khác. Song chị Kh nhất định không nhận. Anh ta lấy dây buộc vào tay chị Kh, doạ sẽ kéo đi khắp làng bêu xấu và xẻo từng miếng thịt trên người chị.
Thời tiết lúc đó rất lạnh. Mấy tiếng bị lột trần, chị Kh. không chịu nổi, tím tái cả người. Mẹ chồng chị ở gần đó chạy đến can ngăn, nhưng anh ta vẫn không tha. Chỉ khi nhân viên an ninh thôn đến can ngăn, người nhà chồng chị mới cởi trói cho chị.
Thấy chị Kh. không thở được, người nhà chị đưa chị ra viện 103 để chữa bệnh. Bác sĩ điều trị cho biết chị Kh. bị viêm phế quản cấp, rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp.
Hàng tháng trời sau đó, chị Kh. phải nhờ người thân bên ngoại đưa đi chạy chữa. Khi biết chị Kh. làm đơn tố cáo chồng và con trai làm nhục mình, chồng và con chị quay ra năn nỉ, xin lỗi chị, dụ dỗ chị rút đơn.
Chị Kh. thương tình, đồng ý không kiện nữa. Nhưng sau đó chồng chị và con trai vẫn tiếp tục khẳng định chị Kh. ngoại tình, đi khắp làng rêu rao chị ngoại tình với anh rể.
Chị Kh. muốn đi chữa bệnh, chồng chị đích thân đưa đi. Anh ta còn ngăn cấm chị ra khỏi nhà chỉ vì sợ chị đi kiện tiếp. Khi được hỏi, chị có biết vì sao chồng đánh mình hay không? Chị Kh. nói chị không biết và lý giải: Chắc tại anh ta thua bạc, uống rượu, rồi nghe người khác xúi giục.
Chị Kh. không biết chồng và con chị không có quyền đánh đập, làm nhục chị. Chị lo sợ, nếu chị kiện, chồng và con chị phải đi tù, thì người chịu nộp phạt chính là chị Kh.
Chị Kh. không biết đằng sau chị có cả một hệ thống pháp luật bảo vệ. Việc chồng chị đánh đập, làm nhục chị là hành động phạm pháp cần phải bị trừng trị và lên án. Chị chưa từng được nghe tới Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PC BLGĐ ) .
Chị Kh. cũng như rất nhiều phụ nữ khác quanh năm chỉ biết làm lụng, phụng dưỡng chồng con và ít khi quan tâm đến những thông tin về các hoạt động xã hội khác. Vì vậy, khi bị chồng bạo hành, họ không biết tìm đến sự bảo vệ của pháp luật. Họ chọn cách tiêu cực nhất là cam chịu và chung sống với bạo lực suốt đời. Trong số những người phụ nữ này, đã không ít người bị đánh tới chết.
Nếu chị Kh. không được giải cứu kịp thời, có thể chị đã chết vì đau tim và giá lạnh. Bên cạnh đó, có rất nhiều người phụ nữ sinh sống ở các đô thị, hàng ngày tiếp cận với các thông tin đại chúng đa chiều. Họ biết và hiểu về Bộ Luật PCBLGĐ. Nhưng một bộ phận trong đó, vẫn không thể làm gì để thoát khỏi BLGĐ.
Cơ quan chức năng: Chờ hướng dẫn thi hành
Trong khi những nạn nhân của BLGĐ được phát hiện ngày một nhiều hơn thì Luật PCBLGĐ vẫn chưa thể đi vào cuộc sống.
Bà Lê Thị Thiên Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: Mặc dù đã có rất nhiều hình thức tập huấn, tuyên truyền về luật, nhưng tác dụng của các biện pháp này còn rất hạn chế.
Tuyên truyền tập huấn chỉ giới hạn trong bộ phận cán bộ công chức của các ban ngành đoàn thể và một số cán bộ Hội Phụ nữ. Tuyên truyền bằng tờ rơi thì bị hạn chế về nội dung và số lượng; Tuyên truyền trên loa phát thanh thì phảng phất, nhiều người nghe rồi lại quên.
Thời gian qua, đối tượng tuyên truyền chủ yếu nhằm vào nữ giới trong khi người gây ra bạo hành phần lớn lại là nam giới. Bởi vậy, những đối tượng thường xuyên gây bạo hành rất ít khi tiếp thu tuyên truyền. Họ cũng có mặc cảm và định kiến nặng nề về giới.
Thay đổi được nhận thức của họ là cả một quá trình gian nan. Bên cạnh đó, nhận thức của những lực lượng đóng vai trò chính phòng chống BLGĐ ở cơ sở cũng còn nhiều bất cập.
Chị Nguyễn Thị Nh. quận Hai Bà Trưng, cho biết, khi đến trụ sở công an phường trình báo về việc chồng chị hành hung, doạ giết chị, khiến chị phải bỏ chạy khỏi nhà, chồng chị đã tìm đến và tát chị ngay trước mắt các nhân viên cảnh sát.
Sau đó, anh ta đuổi chị chạy lòng vòng, khiến chị phải kêu cứu. Lúc này, một đồng chí công an mới chạy ra giữ tay chồng chị lại. Hai người được mời vào trụ sở để lập biên bản phòng ngừa.
Giữa hai vợ chồng có lời qua tiếng lại, người cán bộ thụ lý hôm đó còn mắng chị: “Vợ tôi mà cãi tôi như chị, tôi cũng đánh”. Sau đó, anh ta đuổi chị Nh. đi về nhà nấu cơm cho chồng ăn.
Luật sư Đoàn Văn Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nhận xét: Luật PCBLGĐ có hiệu lực từ 1/7/2008 nhưng đến nay hầu hết các vụ việc bạo hành trong gia đình đều được cơ quan chức năng xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự (nếu thương tích gây ra cho nạn nhân từ 11% trở lên) hoặc chỉ xử lý hành chính (nếu thương tích không nghiêm trọng).
Lý giải vì sao Luật PCBLGĐ chưa đi vào cuộc sống, ông Thái cho rằng: Các cơ quan hành pháp chưa nhận được hướng dẫn thi hành. Từ trước tới nay, mỗi khi có một luật mới, cơ quan chức năng sẽ phải triển khai các bước như ra hướng dẫn thực hiện bằng các thông tư, quyết định… ở cấp Trung ương.
Các cấp cơ sở còn phải triển khai các đợt tập huấn cho cán bộ cơ sở rồi mới đi vào thực hiện. Ở một số địa phương, dù đã nhận được quyết định , hướng dẫn của cấp trên song một số cán bộ cơ sở đem về cất vào … ngăn kéo và vẫn giải quyết các vụ việc ở địa phương theo thói quen trước đó.
http://cuocsongthuongnhat.com/diendan/showthread.php?t=292603