bachsa
Moderator

Vốn lưu động. Các nhà quản lý tài chính rất quan tâm đến mức vốn lưu động vì về bản chất chúng sẽ tăng lên và liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty. Vốn lưu động quá ít sẽ đặt công ty bạn vào vị trí bất lợi: Công ty không có khả năng thanh toán các hóa đơn hoặc tận dụng các cơ hội tăng lợi nhuận. Mặt khác, có quá nhiều vốn lưu động sẽ làm giảm khả năng sinh lợi vì bản thân số vốn đó còn có chi phí vốn - nhất thiết nó phải được cấp vốn dưới hình thức nào đó, thường là các khoản vay chịu lãi.
Kiến thức cần thiết của những nhà doanh nghiệp
Tồn kho là một phần của vốn lưu động. Cũng giống như vốn lưu động nói chung, lượng tồn kho phải được cân bằng giữa hai thái cực quá nhiều hoặc quá ít. Lượng tồn kho nhiều sẽ giúp giải quyết được nhiều vấn đề của doanh nghiệp như: hoàn thành các đơn hàng nhanh chóng, tạo ưu thế chống lại tình trạng ngừng sản xuất và khả năng xảy ra đình công. Tuy nhiên, lượng tồn kho nhiều cũng ảnh hưởng đến chi phí tài chính và tạo rủi ro phá giá thị trường của bản thân hàng tồn kho đó. Mỗi sản phẩm dư tồn trong kho sẽ tính vào chi phí tài chính của công ty, làm giảm lợi nhuận. Và mỗi sản phẩm còn nằm trong kho có nguy cơ trở nên lỗi thời hay khó tiêu thụ hơn theo thời gian. Điều này một lần nữa lại ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận. Công ty kinh doanh máy tính cá nhân là một ví dụ điển hình về lượng tồn kho gia tăng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận. Một số chuyên viên phân tích ước tính rằng giá trị của hàng tồn kho thành phẩm sẽ giảm đi với tỷ lệ khoảng 2% mỗi ngày do sự lạc hậu kỹ thuật trong thời đại công nghiệp phát triển như vũ bão này.
Đòn bẩy tài chính. Có lẽ bạn đã từng nghe ai đó nói: “Đây là tình huống có tỷ lệ vay nợ cao”. Thuật ngữ “đầu cơ vay nợ” trong tài chính hay còn gọi là đòn bẩy tài chính, đề cập đến việc sử dụng tiền vay được để mua tài sản. Một công ty được xem là có tỷ lệ vay nợ cao khi tỷ lệ phần trăm nợ ghi trên bảng cân đối kế toán cao so với vốn đầu tư của các chủ sở hữu. Ví dụ, bạn trả 400.000 USD cho một tài sản, trong đó sử dụng 100.000 USD tiền của riêng bạn và 300.000 USD tiền bạn vay được. Để đơn giản hóa vấn đề, chúng ta sẽ bỏ qua việc thanh toán các khoản nợ, thuế và bất kỳ dòng tiền nào bạn nhận được từ quỹ đầu tư. Sau bốn năm, giá trị tài sản của công ty bạn tăng lên 500.000 USD. Bạn quyết định bán số tài sản này. Sau khi thanh toán khoản nợ 300.000 USD, bạn vẫn còn 200.000 USD trong túi (100.000 USD của bạn và 100.000 USD lợi nhuận). Đó là lợi ích kiếm được 100% trên vốn cá nhân của bạn, cho dù tài sản chỉ tăng 25% giá trị. Đòn bẩy tài chính có thể thực hiện được điều này. Trái lại, nếu bạn tự bỏ hoàn toàn tiền túi của mình ra mua hàng (400.000 USD), cuối cùng bạn chỉ thu được 25% mà thôi. (Lưu ý: trong khi đòn bẩy tài chính đề cập đến việc đầu cơ vay nợ để mua tài sản nhằm thu được giá trị cao hơn, thì đòn bẩy hoạt động đề cập đến mức độ sử dụng chi phí hoạt động cố định của công ty so với biến phí. Ví dụ, một công ty phụ thuộc nhiều vào máy móc và có ít công nhân tham gia sản xuất thường có đòn bẩy hoạt động cao).
Đòn bẩy tài chính tạo cơ hội cho công ty có được tỷ lệ hoàn vốn đầu tư của các chủ sở hữu cao hơn. Tuy nhiên, đòn bẩy tài chính cũng là con dao hai lưỡi. Nếu tài sản bị rớt giá (hoặc không thể phát sinh mức doanh thu như đã mong đợi), thì đòn bẩy tài chính làm tổn hại đến người chủ sở hữu. Hãy xem những gì xảy ra trong ví dụ trên nếu tài sản bị rớt giá mất 100.000 USD, nghĩa là còn 300.000 USD. Người chủ sở hữu xem như mất hoàn toàn 100.000 USD tiền đầu tư sau khi hoàn lại khoản nợ ban đầu là 300.000 USD.
Cơ cấu tài chính. Khả năng tiêu cực của đòn bẩy tài chính là những gì khiến các giám đốc điều hành, chuyên viên tài chính và thành viên hội đồng quản trị không tăng tối đa khoản cấp vốn bằng nợ của họ. Thay vào đó, họ sẽ tìm kiếm một cơ cấu tài chính tạo ra sự cân bằng thực tế giữa nợ và vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán. Mặc dù đòn bẩy giúp tăng lợi nhuận tiềm năng của công ty, nhưng các nhà quản lý biết rằng mỗi đồng tiền nợ cũng sẽ tăng rủi ro trong kinh doanh - bởi những nguy cơ vừa nêu, và cũng vì nợ càng nhiều thì mức thanh toán lãi suất càng cao, trong khi đó các khoản lãi suất đều phải được thanh toán dù tình hình kinh doanh của công ty tốt hay xấu. Nhiều công ty đã thất bại khi công việc kinh doanh có những biểu hiện suy thoái - điều này làm giảm khả năng thanh toán khoản vay đúng hạn.
Khi chủ nợ và nhà đầu tư kiểm tra các bảng cân đối kế toán của công ty, họ thường xem xét rất kỹ tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu. Các nhà đầu tư tính hệ số rủi ro trên bảng cân đối kế toán vào tiền lãi họ đánh trên khoản vay và lợi nhuận mà họ đòi hỏi từ trái phiếu công ty. Do đó, một công ty được xem là có tỷ lệ vay nợ cao có thể phải trả 14% trên số tiền nợ thay vì 10 - 12% mà một công ty đối thủ có tỷ lệ vay nợ thấp hơn phải trả. Các nhà đầu tư cũng muốn nhận được tỷ lệ lợi nhuận thu về cao hơn từ số tiền mình đã đầu tư vào công ty có tỷ lệ vay nợ cao. Chắc chắn họ sẽ không chấp nhận rủi ro cao nếu không mong đợi sẽ thu được nhiều lợi nhuận.
Giá trị tài sản con người
Khi nhìn vào bảng báo cáo kế toán để tìm hiểu về một công ty, nhiều người luôn đặt câu hỏi về khả năng phản ánh giá trị vốn con người và tiềm năng lợi nhuận của bảng cân đối kế toán truyền thống. Điều này đặc biệt đúng đối với các công ty cần nhiều vốn kiến thức: bí quyết sản xuất của lực lượng lao động, tài sản trí tuệ, giá trị thương hiệu, và các mối quan hệ với khách hàng; tất cả đều là tài sản thực sự hữu ích của công ty. Đáng tiếc là những loại tài sản vô hình này không được nêu rõ trong bảng cân đối kế toán.
Trước tình trạng bảng cân đối kế toán ngày càng thiếu phù hợp trong việc phản ánh giá trị thực tế, vào tháng 1 năm 2000, ông Alan Greenspan - chủ tịch Ủy ban Dự trữ Liên bang Mỹ, đã lên tiếng than phiền rằng kế toán không có khả năng theo dõi các khoản đầu tư về “tài sản tri thức”. Cựu chủ tịch SEC, ông Arthur Levitt, đồng ý với nhận định của ông Greenspan: "Vì tài sản vô hình phát triển về kích thước và phạm vi, ngày càng có nhiều người nêu ra câu hỏi liệu các giá trị thực - và động cơ của các giá trị này - có được phản ánh kịp thời trong các bảng báo cáo công khai không”. Thực vậy, một nghiên cứu do Baruch Lev của Đại học New York thực hiện đã cho thấy thông qua bảng cân đối kế toán, tính chính xác trong việc thẩm định giá trị thị trường của một doanh nghiệp trung bình thường bị giảm đi 40%. Đối với các tập đoàn công nghệ cao, con số này vượt quá 50%.
Hàm ý của những phát hiện này đối với các nhà đầu tư và các nhà quản lý là họ phải có cái nhìn vượt ra khỏi những tài sản hữu hình như bất động sản, trang thiết bị, và thậm chí cả tiền mặt, vốn là những yếu tố truyền thống cấu thành tài sản trong bảng cân đối kế toán, và tập trung vào những mục tài sản không công bố tạo ra giá trị lớn nhất đối với cổ đông. Trong hầu hết các trường hợp, những tài sản này là những người tạo ra các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các khách hàng, là những người tạo ra sự đổi mới cho doanh nghiệp, và là những người biết cách thuyết phục các thành viên khác hợp tác làm việc một cách hiệu quả. Nghiệp vụ kế toán bắt đầu tranh cãi về những thuận lợi và bất lợi của việc thể hiện những loại tài sản vô hình này trong các báo cáo tài chính. Hãy chờ xem vấn đề này sẽ phát triển đến đâu trong tương lai.
Tài chính cho người quản lý
First News và NXB Tổng hợp TPHCM