BNN
Hỏa Sơn
Bắt gặp tò he làng Xuân La ở Đà Nẵng
Hằng ngày đi làm hoặc đi đâu đó giữa phố thị, có đôi khi chúng ta vô tình bắt gặp tuổi thơ của mình qua những con giống (còn gọi là tò he) bằng bột nếp đã được thợ nặn tẩm màu sặc sỡ bày bán trước cổng trường tiểu học hoặc trước các siêu thị. Có những người thợ đã mang tò he thấm đượm hồn quê Việt từ làng nghề nổi tiếng Xuân La - Hà Nội vào giữa lòng Đà Nẵng…
Tò he thấm đượm hồn quê
Nhiều người trong chúng ta chắc từng có một tuổi thơ gắn bó với miền quê êm đềm sau lũy tre, gốc đa, ruộng lúa, bờ đê... và cũng từng mê đắm với những con tò he bằng nếp màu sặc sỡ mà sinh động. Trong cái rét mướt của một sáng tháng 3, trước một cổng trường tiểu học giữa TP Đà Nẵng tôi lặng nhìn chị Lãm đang thoăn thoắt nặn tò he bên chiếc bàn nhỏ. Trên chiếc bàn đó được gắn mấy tấm xốp có những chú tò he được làm sẵn và chị tiếp tục trình diễn các tác phẩm của mình trông rất vui mắt, nào là Rồng Phượng, Quan Công, Lưu Bị, Điêu Thuyền, 12 con giáp... Đây là những nhân vật truyền thống của đồ chơi này. Nhiều năm gần đây, khi cơn lốc đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất tràn qua, đã đẩy những đồ chơi dân gian dạt vào ngõ cụt.
Tuy nhiên, với những người nặng nợ với nghề không dễ buông tay, họ nắm bắt thị hiếu của các em nhỏ nên chuyển hướng nặn tò he với các hình dáng như Siêu nhân, Người nhện, Pikachu, Đôrêmon, Tôn Ngộ Không… Khách hàng chủ yếu của chị Lãm là trẻ em và thanh thiếu niên. Các em nhỏ xúm xít nhau lại, thích thú chỉ trỏ những hình ngộ nghĩnh. Các bé gái thường thích mua những bông hồng, hay con gà trống sặc sỡ oai vệ, chú lợn con ủn ỉn, còn bé trai mua Siêu nhân, Tôn Ngộ Không, Đôrêmon...
Các em thích thú ngắm nhìn chị Lãm nặn tò he
Chị Hà, nhà ở đường Nguyễn Văn Linh cho biết: “Hôm nào đón cậu con trai đi học về, cậu bé thấy có bác nặn tò he là đòi mẹ mua cho bằng được. Chị thấy mua đồ chơi này rất hay, giúp các bé nhận biết thêm các con vật và nhiều màu khác nhau, giá rẻ lại sạch sẽ. Ngày nào có người bán, chị đều mua, mỗi lần mỗi con khác nhau”.
Tò he có sức hấp dẫn kỳ lạ, không riêng gì trẻ nhỏ, nhiều lứa tuổi khác nhau cũng rất thích. Nhiều lần tôi đến nơi bán tò he, lúc nào cũng đông người, không chỉ có trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng chăm chú nhìn những động tác khéo léo của đôi bàn tay tài hoa của người thợ nặn. Từ những lõi bột đủ màu sắc, người thợ nắn nắn, vê vê, chỉ trong chớp mắt các con vật hiện ra một cách tài tình như có phép màu. Nét độc đáo riêng của tò he làng Xuân La là người mua có thể đưa ra yêu cầu và được chiêm ngưỡng người thợ nặn tạo nên sản phẩm ngay sau đó, đẹp xinh mới rượi. Người thợ nặn ngoài đôi tay tài hoa thì chỉ cần một bộ đồ nghề đơn giản, một con dao, những que tre vót tròn như chiếc đũa và ít bột nếp lộn tẻ và sáp ong là có thể tạo nên sản phẩm độc đáo tò he.
Tự hào với nghề
Gia đình chị Lãm vào Đà Nẵng có tất cả 4 anh em; chị Lãm và chồng cùng hai anh con bác đều lấy nghề nặn tò he làm kế sinh nhai. Chị kể: Ở quê chị, cả làng Xuân La làm nghề nặn tò he. Hiện nay, hơn một nửa làng là thợ nặn tò he đi khắp cả nước. Ở Đà Nẵng có 10 người làng chị sống với nghề nặn tò he. Chị Lãm cho biết, để mỗi con tò he đẹp và dính chặt không bị tróc rớt khỏi que tre đòi hỏi khâu nhồi bột rất quan trọng. Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo trộn với bột nếp, ngâm nước rồi đem đi xay. Bột được viên thành từng viên cỡ nắm tay rồi cho vào nồi luộc. Khi vớt ra còn rất nóng nhưng vẫn phải nhanh tay nhồi bột, vắt từng lõi nhỏ và nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm công nghiệp, với 4 màu chủ đạo: xanh, đỏ, vàng và đen.
Vợ chồng chị Lãm vào Đà Nẵng đã 4 năm nay, thuê một căn phòng nhỏ làm chỗ trú ngụ, mỗi tháng tiền phòng hết 5 trăm nghìn đồng. Chị có một con nhỏ nhờ ông bà nội nuôi. Khi tôi hỏi, một ngày chị bán được bao nhiêu tiền, chị cười buồn: “Ngày nào thời tiết đẹp, đông khách thì cũng được trăm ngàn, có ngày được mấy chục ngàn thôi, chỉ tạm đủ hai vợ chồng trang trải cuộc sống và gửi ít tiền về cho con. Vả lại, chị cũng muốn đi khắp đất nước Việt Nam, mang thông điệp rằng tò he vẫn trong lòng người Việt, nó không bị mất đi và sẽ sống mãi em ạ!”. Họ tự hào với nghề của cha ông mình để lại. Những người thợ nặn tò he ở Xuân La mong muốn gửi gắm tâm hồn mình vào những con tò he mộc mạc, giản dị, giống như chính cuộc sống làng quê chất phác...
Tò he là sản phẩm đồ chơi dân gian độc đáo, vừa mang bản sắc dân tộc, tuy không sử dụng được lâu (chỉ khoảng 30 ngày) nhưng đồ chơi này mộc mạc và gần gũi cuộc sống hàng ngày, đã để lại trong lòng mỗi chúng ta tình cảm đặc biệt, bởi đó cũng chính là sự tích tụ của trí tuệ dân gian truyền đời của người dân Việt.
Theo Hải Yến (Công an Đà Nẵng)