BNN
Hỏa Sơn
Hồ sơ tên đường: ĐƯỜNG BẠCH ĐẰNG
Ba lần máu đỏ nhuộm dòng sông
Bạch Đằng vừa là tên đất, vừa là tên sự kiện lịch sử lừng danh, được cả nước dùng để đặt tên những đường phố giáp ranh với sông nước.
<table class="image rightside" align="right" width="230"> <tbody> <tr> <td>

Sông Bạch Đằng (Bạch Đằng Giang, hiệu là sông Vân Cừ) trong hệ thống sông Thái Bình, là một con sông chảy giữa hai huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng), đổ ra vịnh Bắc Bộ ở cửa Nam Triệu.
Trên dòng sông lịch sử này đã diễn ra ba trận thủy chiến của dân tộc Việt Nam chống phong kiến Trung Quốc xâm lược: Năm 938, Ngô Quyền giết Hoàng Thao, phá quân Nam Hán; năm 981, Lê Hoàn diệt quân Tống; năm 1288, Hưng Đạo Vương phá tan quân Nguyên (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba).
Chiến thuật chung của cả ba trận là dùng cọc lim vót nhọn, bí mật cắm ngầm ở nơi hiểm yếu trên dòng sông, mai phục thủy binh và bộ binh, rồi dụ địch vào nơi quyết chiến, chờ khi thủy triều xuống, dồn sức phản công. Trong đó, trận đánh quân Nguyên ngày 8-4-1288 đã đi vào lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta với quy mô lớn nhất, chiến thắng hào hùng nhất.
3 trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng cũng đã đi vào giai thoại với lòng tự hào dân tộc.
Giang Văn Minh (1573-1638) quê xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), đỗ Đình nguyên Thám hoa năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Ra làm quan, năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông được cử đi sứ sang nhà Minh. Vua Minh là Sùng Trinh, trước mắt bá quan văn võ và sứ thần các tiểu quốc khác, đã ngạo mạn ra câu đối cho sứ bộ nước ta: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục. (Cột đồng đến nay rêu đã xanh). Câu này ngầm nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).
Giang Văn Minh đã ngạo nghễ đối lại: Đằng giang tự cổ huyết do hồng. (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ). Vế đối đã chỉnh chu, lại có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng, như một cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước.
Mất mặt, vua Minh nổi giận, thẳng tay ra lệnh mổ bụng Giang Văn Minh để xem gan sứ Việt bao lớn rồi cho khâm liệm và trả di hài về nước. Vua Lê Thần Tông vô cùng thương tiếc, thân hành làm lễ tế với lời điếu: “Sứ bất nhục quân mệnh, khả thi vị thiên cổ anh hùng”. (Đi sứ không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là bậc anh hùng ngàn thuở).
Chiến công trên Bạch Đằng Giang cũng đã đi vào lời thơ hùng tráng của Phạm Sư Mạnh đời Trần: Hung hung Bạch Đằng đào/ Tưởng tượng Ngô Vương thuyền. (Bạch Đằng cuồn cuộn sóng trào/ Tưởng thuyền Ngô Chúa hôm nào trên sông). Bài hát “Bạch Đằng Giang” của Lưu Hữu Phước cũng có đoạn: Đoàn quân Ngô thiện chiến, chém giết quân Hoằng Thao/ Đoàn quân Trần Quốc Tuấn, đánh thắng quân Thoát Hoan.
Bến tàu của những hãng buôn
Đúng nghĩa quai là bến tàu, bến thuyền ven sông (trong tiếng Pháp), Quai Courbet (Bạch Đằng ngày nay) tập trung nhiều địa điểm ăn hàng của các tàu buôn một thời, hình thành một khu phố kinh doanh sầm uất.
<table class="image center" align="center" width="400"> <tbody> <tr> <td>

Theo mô tả của tác giả Võ Văn Dật trong Lịch sử Đà Nẵng (1306 - 1975), NXB Nam Việt, CA, Hoa Kỳ, 2007, Đà Nẵng khi mới hình thành được chia hai khu vực rõ rệt. Khu người Pháp (quartier français) nằm ở trung tâm thành phố, chiều dọc từ đầu Quai Coubert đến ngã ba Quai Coubert – Đồng Khánh (nay là Bạch Đằng - Hùng Vương), chiều ngang đến đường Marc Pourpre (Lê Lợi). Khu bản xứ (quartier indigène) là nơi người Việt sinh sống gồm phần lớn còn lại của thành phố. Đặc biệt, từ ngã ba Quai Coubert – Đồng Khánh đến ngã ba Quai Coubert – Avenue de Musée (sau 1955 đổi thành Độc Lập, sau 1975 đổi thành Trần Phú) là nơi tập trung Hoa kiều, Ấn kiều và người Việt giàu có.
Dọc theo Quai Coubert, kể từ phía bắc xuống, lúc đó có các hãng: Chi nhánh SOCONY, trụ sở và kho hàng của Denis Frères, Descours et Cabaud, SARIC, Compagnie Franco-Asiatique des Pétroles, SICA, Khách sạn Morin Frères, Đông Dương Ngân hàng, LUCIA. Cuối cùng, chung quanh chợ Hàn là cơ sở kinh doanh của Hoa kiều và một vài Ấn kiều.
Trụ sở của LUCIA (L’Union Commerciale Indochinoise et Africaine - Liên hiệp Thương mại Đông Dương và Phi Châu) được lập năm 1904. Nơi này, trước năm 1975 là trụ sở của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, sau năm 1975 là nhà trưng bày chứng tích tội ác đế quốc Mỹ, bây giờ là tòa nhà Khách sạn Indochina Riverside.
Theo tác giả Võ Văn Dật trong sách đã dẫn, SOCONY và Compagnie Franco-Asiatique chuyên nhập khẩu và cung cấp dầu lửa cho thành phố. Lúc đó (1922) thị dân Đà Nẵng còn dùng đèn măng-sông, đèn tọa đăng (đèn lớn để bàn, còn gọi là đèn bát vì có chứa dầu to bằng cái bát), đèn treo, đèn Huê Kỳ (còn gọi là đèn hột vịt, đèn nhỏ, có bóng thủy tinh che gió to bằng hột vịt).
Từ ngã ba Quai Coubert- Đồng Khánh (Hùng Vương ngày nay) trở về nam, bao quanh khu chợ Hàn, là nơi tập trung những hãng buôn lớn của Hoa kiều ở Đà Nẵng lúc bấy giờ, trong đó nổi tiếng nhất là Quảng Triều Hưng và Đồng Lợi Hưng. Hai hãng này có bến tàu riêng bên đường Quai Coubert và chúng trở thành địa danh quen thuộc với thị dân ngày đó. Họ làm ăn đầy kiên nhẫn và nhiều mánh lới. Có những vụ mà thương gia Pháp vì thiếu kiên trì nên bỏ ngang thì Hoa kiều nhảy vào ngay và trúng lớn. Như vụ xuất khẩu đường Quảng Ngãi.
Trước 1931, các thương gia Pháp lập nhiều trạm thu mua đường ở Quảng Ngãi để xuất khẩu, nhưng thấy không khai thác được lợi nhuận, nên bỏ. Các hãng Vĩnh Hòa Mỹ, Wing Chéong Seng, Tong Ly et Cie liền nhảy vào. Họ thu mua đường rồi xuất cho Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Hong Kong và Singapore, làm chủ thị trường, qua mặt cả người Pháp, vì lúc đó, đại gia khét tiếng như Denis Frères cũng chỉ bán được ở Bắc Kỳ mà thôi.
Phố cổ bên tả ngạn sông Hàn
Quai Courbet (Bạch Đằng ngày nay) được xem là “tiền hiền” của hệ thống đường phố Đà Nẵng, là đường xương sống của Tourane thời Pháp thuộc, chạy từ bắc xuống nam dọc theo tả ngạn sông Hàn.
<table class="image center" align="center" width="500"> <tbody> <tr> <td>

Đây là con đường một chiều nam - bắc, có nhiều công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc, cũng là điểm xuất phát để từ đó người Pháp mở rộng thành phố về hướng Tây và hình thành những đường phố có khoảng cách gần như đều nhau. Do đó, những đường phố nằm càng xa Quai Courbet càng “trẻ” hơn, và tất nhiên, những công trình kiến trúc trên các đường phố này cũng cùng thuộc tính như thế.
Khu vực dọc phía bắc Quai Courbet là trung tâm nhượng địa, nơi tập trung các cơ quan đầu não về hành chính, trị an và kinh tế nên được ưu tiên xây dựng trước, trong đó đứng đầu là Tòa Đốc lý (Tòa Thị chính). Tuy hiện vẫn chưa tìm thấy một tài liệu nào nói chi tiết về việc xây dựng công trình kiến trúc này, nhưng theo tác giả Võ Văn Dật trong Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975), NXB Nam Việt, CA, Hoa Kỳ, 2007, nhờ các cụ cao niên có trí nhớ tốt mà còn được biết rõ một điều là nhà thầu xây cất Tòa Đốc lý và một số kiến trúc quy mô khác ở Đà Nẵng ngày đó là một người Việt Nam - ông Nghè Giá (Võ Văn Giá).
<table class="image center" align="center" width="500"> <tbody> <tr> <td>

Phía nam Quai Courbert, những năm đầu thế kỷ trước, người Pháp cho xây dựng một nhà ga phụ ở chợ Hàn, gọi là Gare de Tourane-Marché, sau khi nhà ga chính Gare de Tourane-Central (xây dựng năm 1905, Ga Đà Nẵng hiện nay) bị giới thương nhân Pháp phản đối vì quá xa trung tâm thành phố lúc đó, nơi tập trung bến cảng, kho hàng và cơ sở kinh doanh của các hãng buôn. Để phân biệt, thị dân gọi ga chính là Ga Lớn, ga phụ là Ga Chợ Hàn. Lúc đầu, Ga Chợ Hàn chỉ vận chuyển hàng hóa, đến tháng 6-1913 mới chở thêm hành khách.
Trên Quai Courbert, gần chợ Hàn, có Hiệu sách Việt Quảng do nhà cách mạng Lê Văn Hiến phụ trách. Theo Từ điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam, đây là nơi phát hành sách báo cách mạng ở miền Trung thời kỳ 1936 - 1940, các tác phẩm văn học hiện thực của một số nhà văn như Lan Khai, Tam Lang, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Hiệu sách Việt Quảng trên danh nghĩa là hiệu sách, nhưng thực chất là một cơ quan liên lạc của Xứ ủy Trung Kỳ. Tháng 6-1940, hiệu sách chấm dứt hoạt động sau khi bị chính quyền thực dân Pháp khám xét.
Sau năm 1975, đường Bạch Đằng đã được nhiều lần mở rộng, nâng cấp. Những năm 90 thế kỷ trước, Ga Chợ Hàn được phá dỡ để làm đường Bạch Đằng. Đầu thế kỷ XXI, mở đường lấn ra sát sông Hàn và giữ lại toàn bộ cây xanh, tạo nên cảnh quan đẹp một bên phố một bên sông. Nỗ lực đầy sáng tạo này đã mang lại giải nhì (không có giải nhất) cho nhóm kiến trúc sư ở Viện Quy hoạch (Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng) với tác phẩm “Quy hoạch kiến trúc cảnh quan đường Bạch Đằng”, do Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao tặng.
Với bề dày lịch sử, văn hóa đan xen giữa cũ và mới, đường Bạch Đằng đã để lại dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ người dân thành phố. Đến Đà Nẵng mà bạn chưa dạo chơi trên con đường thơ mộng này thì coi như chưa đến Đà Nẵng!
LÊ GIA LỘC (ĐNĐT)